Các tập đoàn tư nhân lớn sẽ hưởng lợi từ khoản hoàn thuế giao dịch liên kết 5.000 tỉ đồng – Ảnh: THU HUỆ
Trước đó, ngày 17-4 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 20, trình Thủ tướng ký, ban hành ngay trong ngày 20-4, đồng thời có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định.
Quyết định hồi tố, hoàn trả doanh nghiệp gần 5.000 tỉ đồng tiền thuế đã thu trong các năm 2017 – 2018 theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), số tiền không lớn nhưng sẽ củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.
Việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo phương án khấu trừ nghĩa vụ thuế của chính doanh nghiệp trong các năm tiếp theo, thời gian khấu trừ không quá 5 năm như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ đã thống nhất.
Trong báo cáo kiến nghị sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định 20 gửi tới Chính phủ mới đây, VCCI cũng cho rằng việc áp dụng hồi tố, trả lại tiền thuế cho doanh nghiệp không phức tạp, không thể có xin – cho như cơ quan thuế lo ngại. Bởi với cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thì người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm khi bị cơ quan nhà nước phát hiện.
Hơn nữa chỉ có hơn 1.000 doanh nghiệp được khấu trừ thuế, không phải số lượng quá lớn mà cơ quan thuế không giám sát được.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI mục tiêu lớn nhất của chính sách sửa đổi Nghị định 20 và hoàn gần 5.000 tỉ đồng tiền thuế là tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Việt Nam.
Khoản kinh phí phải hoàn trả nếu áp dụng hồi tố sang các năm 2017 – 2018 như Bộ Tài chính tính toán khoảng gần 5.000 tỉ đồng không quá lớn. Chưa nói khoản tiền này sẽ được khấu trừ trong 5 năm kế tiếp thì hụt thu ngân sách là rất nhỏ.
Điều quan trọng hơn, chính sách giúp tăng niềm tin cho doanh nghiệp, tạo ra sự công bằng của pháp luật rằng nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế, kê khai thuế sai sẽ bị truy thu, tính lãi chậm nộp và xử phạt nghiêm khắc.
Ngược lại, nếu chính sách nào đó Nhà nước ban hành chưa phù hợp, chưa đúng, Chính phủ, Bộ Tài chính sẵn sàng sửa sai, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Tư pháp cũng có văn bản gửi Chính phủ khẳng định về cơ sở pháp lý việc hồi tố hay không hồi tố trong trường hợp này đều không vướng mắc về mặt pháp lý. Chính phủ cũng đã từng cho phép doanh nghiệp hồi tố, áp dụng chuyển đổi ưu đãi thuế với các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp khác trong giai đoạn 2007-2014.