Lúc nạn nhân nguy kịch, người dân gọi 115 nhưng không ai nghe máy – Ảnh: T.T
Chiều 18-4, Tuổi Trẻ Online liên hệ với bác sĩ trong ca trực mà người dân gọi vào đầu số 115 (đầu số cấp cứu của tỉnh Quảng Ngãi được đặt ở khoa cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi) nhờ hỗ trợ thanh niên tai nạn nguy kịch, nhưng không ai nghe máy.
Theo bác sĩ này, thời điểm trên tại khoa cấp cứu có 6 điều dưỡng và 2 bác sĩ trực. Trong đó, 4 điều dưỡng và 2 bác sĩ đang cấp cứu cho 5 bệnh nhân vừa nhập viện. 2 điều dưỡng còn lại đưa bệnh nhân từ khoa cấp cứu lên chuyên khoa điều trị.
Một bác sĩ khác cũng chia sẻ áp lực của mỗi ca trực, với 8 y bác sĩ, khi phải cấp cứu nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm. “Ca trực ở khoa cấp cứu luôn căng thẳng. Nếu cùng lúc bệnh nhân cấp cứu nhiều và nặng, phải chạy đua từng phút, không còn thời gian để làm việc gì, kể cả nghe điện thoại cấp cứu. Thậm chí, phải xin tăng cường cả điều dưỡng trên khoa điều trị xuống hỗ trợ khi bệnh nhân quá đông”, vị bác sĩ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ này, lâu nay các điều dưỡng tại khoa cấp cứu thay nhau trực số điện thoại 115. Khi có yêu cầu hỗ trợ, bác sĩ và y tá lên đường. Có khi cùng một lúc nhận hai cuộc điện thoại cấp cứu, nếu 2 bác sĩ cùng 2 điều dưỡng ra hiện trường, khoa hết bác sĩ trực. Có bệnh nhân nhập viện người nhà lại la ầm ĩ, khi thấy khoa cấp cứu không có bác sĩ.
Vụ tai nạn mà đầu dây 115 “tê liệt” lộ ra nhiều bất cập mà tỉnh Quảng Ngãi cần giải quyết – Ảnh: T.T
Ông Huỳnh Giới, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho rằng áp lực của y bác sĩ ở khoa cấp cứu rất lớn. Thực hiện cấp cứu nội viện đã rất căng thẳng, lại cáng đáng đầu số 115 càng thêm áp lực.
“Tôi đang chờ báo cáo của bác sĩ để rõ vụ việc. Nhưng qua nắm thông tin ban đầu, thời điểm trên bác sĩ và điều dưỡng đang cấp cứu cho đông bệnh nhân. Không thể bỏ dở việc cấp cứu để làm việc khác”, ông Giới nói.
Theo ông Giới, cấp cứu tại hiện trường phải giao cho đơn vị chuyên biệt mới hoàn thành tốt việc cứu người. Việc điều bác sĩ ở khoa đi hiện trường như lâu nay lộ rõ bất cập.
Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói với Tuổi Trẻ Online: “Chúng tôi đang chờ báo cáo từ ngành y tế. Tuy nhiên, qua sự việc, cần gấp rút khắc phục hạn chế. Không thể để y bác sĩ khoa cấp cứu nhận trách nhiệm cấp cứu ngoại viện. Tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập đội cấp cứu chuyên biệt túc trực như các tỉnh thành khác, đảm bảo cấp cứu cho bệnh nhân ngoại viện thông suốt”.
Mỗi ca cấp cứu ngoại viện, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi phải cắt cử một bác sĩ trực, một bác sĩ ra hiện trường – Ảnh: T.T
Khoảng 19h tối 17-4, tại đường Hoàng Sa (đoạn qua xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa ôtô 16 chỗ do tài xế tên Nam điều khiển với xe máy do N.T.V (18 tuổi, quê Nghệ An) điều khiển. Vụ tai nạn khiến tài xế xe máy nguy kịch. Sau vụ tai nạn, người dân nhanh chóng gọi vào đầu số cấp cứu 115 xin hỗ trợ, nhưng không ai nghe máy. Người dân phải dùng xe cá nhân đưa bệnh nhân đi cấp cứu. V. tử vong sau khi đến bệnh viện.