Học sinh thực hiện tương tác theo cặp đôi – một hoạt động học theo thiết kế của SGK mới – Ảnh: CHU HÀ LINH
Hiện nay do dịch COVID-19 nên ở nhiều địa phương, hội đồng chọn sách giáo khoa vẫn chưa thực sự khởi động mà vẫn tiếp cận tài liệu qua mạng để đọc độc lập.
Tuy nhiên cũng có một số sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho đại diện các trường tiếp cận trực tiếp với các tác giả, đơn vị xuất bản những bộ sách giáo khoa được phê duyệt.
Tiêu chí nào được ưu tiên?
Tỉnh Hà Nam ban hành bộ tiêu chí chọn sách giáo khoa gồm 6 nhóm với 32 tiêu chí cụ thể. Trong đó, ngoài việc chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện dạy học, yếu tố đi kèm được chú ý là việc hỗ trợ tập huấn sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, có nguồn học liệu điện tử giúp giáo viên thiết kế bài giảng và tổ chức dạy học, danh mục thiết bị kèm theo sách dễ sử dụng, đảm bảo chất lượng…
Còn theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương thì trong những tiêu chí đặt ra để chọn sách giáo khoa, những nội dung nhằm hỗ trợ đổi mới dạy học, đánh giá theo đúng mục tiêu của chương trình mới được quan tâm. Ví dụ SGK phải đảm bảo tính tích hợp liên môn, giúp giáo viên thực hiện dạy học tích hợp, gắn với thực tiễn cuộc sống tại địa phương. Bên cạnh đó là giúp nhà trường, tổ bộ môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp.
Thầy Phan Duy Nghĩa – chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh – nhận định tiêu chí “thuận lợi cho giáo viên và học sinh thực hiện dạy học” cần được ưu tiên trong quá trình chọn sách. “Ngoài việc thiết kế hoạt động học, hệ thống bài tập cũng cần gắn với thực tiễn địa phương để học sinh phát triển năng lực, phẩm chất. Đặc biệt là có tính gợi mở để giáo viên có thể linh hoạt tổ chức các hoạt động học phù hợp” – thầy Nghĩa chia sẻ quan điểm.
UBND TP.HCM đặt ra yêu cầu cao khi xây dựng tiêu chí chọn sách giáo khoa. Cụ thể là đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của TP, xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Với đích đến này, các tiêu chí về thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng được công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong tổ chức dạy học, khuyến khích thực hành, nghiên cứu khoa học được đề cao.
Chọn theo bộ hay theo môn?
Thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mỗi nhà trường thành lập một hội đồng chọn sách bao gồm: ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1, đại diện cha mẹ học sinh. Sau khi hội đồng thảo luận, bỏ phiếu, hiệu trưởng có thẩm quyền quyết định chọn 1 bộ sách đầy đủ các môn học từ 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong năm học tới.
“Các bộ sách giáo khoa đều có những ưu điểm khác nhau, nhưng có bộ trội về môn này, có bộ lại trội hơn môn kia. Nên nếu chọn theo bộ thì dễ thống nhất hơn nhưng sẽ phải chấp nhận những điểm yếu của một vài môn trong một bộ sách” – hiệu trưởng một trường tiểu học ở Lào Cai chia sẻ.
Thầy Đinh Hữu Đắc – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM – cũng cho biết: “Trường tôi thì thiên hướng chọn 1 bộ vì thuận lợi, dĩ nhiên nếu các bộ khác hay thì giáo viên sẽ tham khảo thêm”.
Cũng với quan điểm này, cô Trần Bé Hồng Hạnh – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1) – chia sẻ: “Để thuận tiện cho công tác quản lý, cho nhu cầu theo dõi, sử dụng của phụ huynh, thay vì chọn mỗi bộ 1 cuốn, có thể trường sẽ chọn 1 bộ trong 5 bộ sách giáo khoa”.
Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng không nên đặt ngay ra việc “chọn 1 bộ, hay chọn theo môn” mà quyết định như thế nào lệ thuộc vào việc tiếp cận các sách giáo khoacủa từng môn học.
“Không nên có chủ trương chọn một đơn vị, một nhà xuất bản cụ thể để chọn bộ sách gồm tất cả các môn của họ mà nên căn cứ vào chất lượng, sự phù hợp theo các tiêu chí đã đề ra. Trong mỗi môn học, cuốn sách nào thuyết phục thì chọn” – ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.2, TP.HCM, bày tỏ quan điểm. Ông Tùng cũng khẳng định hội đồng chọn sách của mỗi nhà trường toàn quyền quyết định, các cấp quản lý giáo dục sẽ không can thiệp vào quy trình chọn sách.
Không điều chỉnh thời hạn chọn sách giáo khoa
Theo ông Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù dịch bệnh kéo dài khiến các trường phải ngừng việc dạy học, nhưng tiến độ chọn SGK vẫn đảm bảo như quy định, công bố kết quả chọn sách vào đầu tháng 5-2020.
“Trong tháng 4-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin miễn phí tới 100% trường tiểu học để tạo điều kiện cho các trường tổ chức tập huấn, tiếp cận các bộ sách giáo khoa mới bằng hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra” – ông Thái Văn Tài cho biết.
Chọn theo giá?
Theo thông tin từ các đơn vị xuất bản, giá sách giáo khoa về cơ bản cao hơn giá SGK hiện hành khá nhiều. Tuy nhiên, nó cũng tương ứng với chất lượng SGK. Cụ thể, các bộ SGK đều có chất lượng giấy tốt, hình thức đẹp, kênh chữ, kênh hình đều rõ ràng.
Bà Nghiêm Hồng Hạnh – trưởng ban phụ huynh một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – chia sẻ: “Trong các cuốn sách giáo khoa có chất lượng không quá cách biệt nhau thì giá sách sẽ là yếu tố nên ưu tiên chọn. Vì chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh hoàn cảnh khó khăn không muốn phải dùng sách đắt quá”.
Nhưng theo các nhà trường, khả năng đáp ứng các tiêu chí nhằm hỗ trợ tốt nhất việc dạy học sẽ quyết định cuốn sách được chọn chứ không phải giá cả. Vì trên thực tế, sự chênh lệch giá giữa các sách giáo khoa cùng môn học không quá lớn. Chưa kể có những bộ SGK đang được “điểm cộng” khi đưa ra các gói hỗ trợ miễn phí như học liệu điện tử, tập huấn trực tiếp hoặc gián tiếp, hỗ trợ dạy thử…