Tài xế GoViet Trần Văn Đô giao hàng cho khách – Ảnh: VŨ TUẤN
Rét “nàng Bân”, Hà Nội lạnh 17 độ C, đường phố sụt sùi như cô nàng đỏng đảnh giận người yêu. Phố vắng vì dịch COVID-19, quán xá đóng cửa. Lúc này là thời khắc của cánh “xe ôm công nghệ” GoViet như con thoi đi giao hàng thiết yếu cho người dân.
Một ổ bánh mì, đi 10 cây số
Tài xế Nguyễn Anh Tuấn rút điện thoại, đơn “nổ”. Khách đặt 1 ổ bánh mì patê. Cửa hàng trên phố Tôn Thất Tùng, người nhận ở đường Hoàng Quốc Việt. Quãng đường 8km, thêm 2km từ vị trí “nổ” đơn thành hơn 10km. Tiền công 25.000 đồng. Khách lại nhắn tin: “Anh ơi! Mua đồ ăn giúp em với! Em đặt 4 cuộc rồi mà bị hủy hết, em đói lắm rồi!”.
Lúc này là 13h20, cái bụng đang “biểu tình” nhắc anh nhớ lại bữa sáng vội vã lúc 7h, đến giờ chưa có cái gì bỏ vào bụng. “Khách giục, thôi đi đã” – Anh Tuấn bụng bảo dạ rồi nhắn tin báo khách chờ, trùm áo mưa lao đi trong cơn mưa đỏng đảnh của tháng tư.
Nguyễn Anh Tuấn đã có 5 năm lái “xe ôm công nghệ”, từ ngày Uber mới vào Việt Nam. Rồi hãng này rút, anh chuyển sang lái xe cho GoViet. Mỗi “cuốc” ship đồ ăn tài xế nhận được tiền công khoảng 25.000 đồng. Đây là mức ưu đãi của công ty trong mùa dịch để hỗ trợ tài xế. Trước đó, mỗi “cuốc” như vậy tài xế chỉ nhận được thù lao hơn 12.000 đồng.
Cách ly xã hội, xe buýt, taxi, xe chở khách và cả xe ôm cũng bị cấm. Mảng chạy chính của Anh Tuấn là GoBike (chở khách) không còn, anh xoay sang ship hàng và giao đồ ăn. Nghề xe ôm công nghệ “năng nhặt chặt bị”, nhặt từng đồng nhưng rất cần cho người dân giữa tháng ngày ảm đạm bệnh dịch. “Mình hiểu cảm giác của người đặt đồ ăn rồi bị hủy lắm chứ! Lại đói nữa, dịch giã thế này tìm được quán ăn khó lắm” – Tuấn tâm sự.
Lịch làm việc ngày thường khi chưa có dịch của tài xế GoViet là ra khỏi nhà lúc 6h30, đón khách GoBike (xe ôm). Đến khoảng 11h họ đón “cuốc” GoFood (ship đồ ăn), từ 14h trở đi là các đơn hàng GoSend (ship hàng). Từ khoảng 17h đến gần 20h quay lại các đơn hàng GoFood. “Không có dịch thì bọn em chạy đến 16h là đủ điểm thưởng, 25-27 đơn. Bây giờ chúng em chỉ đạt khoảng 17 đơn” – một tài xế GoViet nói.
Ông Ninh lớn tuổi nhưng vẫn vui vẻ, xông xáo trong việc lái xe – Ảnh: VŨ TUẤN
Những ngày giãn cách xã hội, đường phố vắng tanh, Tuấn đếm cứ 10 chiếc xe máy ngoài đường thì có 3 ông áo đỏ (GoViet), còn lại là người dân và các hãng khác. Ngay đoạn đường Phương Mai, Phạm Ngọc Thạch ngày thường tắc liên tục, những ngày cách ly chẳng có mấy ai ra đường. Trường học nghỉ, văn phòng đóng cửa, shop quần áo online, hàng ăn bán “take away” hoặc online… nhưng đơn hàng ít hơn tài xế.
Có những người trước đây chỉ chở khách cũng kiếm rủng rỉnh vài chục “cuốc” mỗi ngày. Đến giờ, họ chuyển sang GoFood, GoSend hết. Đã vậy, hàng ăn cũng bán ít, tài xế phải đi vài cửa hàng mới mua được đồ cho khách, thậm chí đi vài cửa hàng rồi khách hủy đơn, tài xế “móm”.
2 tháng không gặp mặt con
Tài xế Trần Ngọc Đô quê ở ngay Chương Mỹ – Hà Nội, từ nhà cách chỗ trọ hơn 50 cây số nhưng 2 tháng nay anh chưa về nhà. Ngày trước, gần như tháng nào Đô cũng về thăm con vài ba lần. Thường thì chiều thứ sáu, chạy đủ điểm thưởng (khoảng 27 “cuốc” xe) là Đô phi xe máy về thăm vợ con. Vợ anh là giáo viên, đứa con lớn học lớp 8, đứa thứ 2 học lớp 3, “bện” bố như sam.
Nghề của anh tiếp xúc với nhiều người, trong mùa có dịch, anh không dám về. Trong cốp xe của tài xế là 2 lọ nước sát khuẩn, 1 hộp khẩu trang, găng tay, kính, mũ… cánh tài xế GoViet cũng được mua bảo hiểm. Tiếp xúc nhiều người, đi nhiều nơi và cũng bị nhiều người nghi kỵ nhưng họ khá thận trọng vì con virus. Đô thỏa thuận với vợ khi nào hết dịch, đủ 14 ngày anh tự… cách ly tại phòng trọ thì anh sẽ về.
Mùa dịch phải giãn cách xã hội, các tài xế công nghệ rất cần thiết cho cuộc sống người dân – Ảnh: VŨ TUẤN
“Nhiều đêm nhớ con không ngủ được, gọi điện thì sợ chúng nó thức giấc, chỉ lúc nào vắng khách mới gọi video để nhìn mặt vợ con thôi” – Đô nói. Đô thuê phòng trọ ở khu vực đường Kim Giang, quận Hoàng Mai. Căn phòng nhỏ, vừa đủ chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt sau ngày phơi mặt ngoài đường. Khi có dịch, bà chủ nhà nhắn tin “tiền phòng nộp chậm cũng được em ạ”.
Đô mừng, tuy không được giảm nhưng cũng đỡ cho anh. Khách GoBike trong những ngày giãn cách xã hội không có, Đô không đi làm sớm như ngày thường. Anh tự nấu cơm, ăn sáng muộn. 8h sáng mở app đón đơn hàng GoSend, 11h sẵn sàng chạy GoFood, đến 14h lại chờ GoSend…
Bữa trưa chỉ ăn tạm cái bánh mì. “Mỗi suất cơm văn phòng mùa này rẻ nhất là 53.000 đồng. Tụi em quen rồi, bụng đói chỉ cần ngửi mùi thơm là biết được quán nào ngon, quán nào dở. Nếu không, nhiều khi quán nấu đồ không ngon, khách không vừa ý lại đánh giá tụi em 1 sao…”. Đô rút điện thoại, reo lên: “Nổ rồi! Một đơn ship hàng! “Bái bai” anh em!” Chàng tài xế “cười như mùa thu tỏa nắng”, đeo khẩu trang phóng xe vụt đi.
Niềm vui trên từng cây số
Tài xế Nguyễn Thị Nga quê Thanh Hóa không muốn nghỉ về quê tránh dịch. Nga mới vào nghề, chủ yếu chạy GoBike và GoSend. Cô là một trong những tài xế chịu khó nhất của nhóm GoViet ở Hà Nội. Nhiều nam tài xế chỉ kiếm được hơn trăm nghìn mỗi ngày vì cách ly xã hội, nhưng Nga vẫn lọt “top” trên 200.000 đồng.
Tài xế Nguyễn Thị Nga nhận đơn hàng mới – Ảnh: VŨ TUẤN
Có hôm 23h đêm, đơn “nổ” cô vẫn lên xe đi giao cho khách. “Anh cả” Nguyễn Anh Tuấn khuyên Nga đừng chạy tối, nguy hiểm, cô chỉ cười: “Ai dám làm gì em? Buổi tối em cũng chỉ nhận ship hàng GoSend, chứ có khách đi GoBike tiền công có tăng gấp đôi em cũng chẳng dám đi”.
Hiện nay, cả nhóm GoViet ở Hà Nội phải tâm phục khẩu phục với “lão tướng” Trần Đăng Ninh. Ông Ninh 63 tuổi, lọt top những người “nổ” đơn nhiều nhất Hà Nội. Ông vốn là nhân viên vật tư của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, từng đi Nam về Bắc, trên rừng dưới biển, chỗ nào có công trình thủy điện, giao thông… ông cũng đặt chân đến.
Năm 2007, khi đang làm ở công trình thủy điện Yaly (Kom Tum), ông xin “về một cục” theo nghị quyết 132. Nhà ông Ninh to đùng ngay mặt phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm. Con trai cả là tay buôn mắt kính có tiếng đất Hà thành, nhà nuôi 6 nhân viên, đổ buôn mắt kính khắp miền Bắc, mối hàng lớn ở tận các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… Cậu cả khuyên bố ở nhà cậu nuôi nhưng ông Ninh không nghe. Ông Ninh không quen ngồi một chỗ, luôn chân, luôn tay.
Ông bảo: “Mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn nhưng bằng sức của mình. Mà quan trọng hơn cả là tôi thấy vui. Tôi thấy nghề lái xe “công nghệ” hợp với mình thì tôi làm. Và cũng thấy vui vì người dân rất cần mình lúc khó khăn này”. “Lão tướng” không từ chối đơn hàng nào, không chờ đơn “nổ” ở nơi nào cố định.
Có khi giao hàng hơn 20 cây số ra ngoại thành, ông lại quay về, tìm chỗ nào tương đối nhiều quán ăn để chờ đơn tiếp. “Bây giờ “bi ce” (GoBike) không được chạy nữa thì tôi giao đồ ăn, giao hàng. Bình quân ngày nào cũng được hơn 200.000 đồng”, ông Ninh tâm sự rồi tấp xe vào một con ngõ trên phố Đội Cấn.
“Chỗ này gần quán cơm Tây Bắc, bên kia đường là quán bún chả này, xa hơn tí nữa là bánh mì này. Còn trong ngõ kia, đầu ngõ là quán phở này, cách một đoạn cũng là phở, rồi đến cơm gà… Anh em tài xế đón ở đây, cứ lần lượt người này “nổ” đơn rồi đến người kia, từng lượt từng lượt đến rồi đi, vui đáo để”, ông Ninh cười kể chuyện.