Chung sống an toàn với COVID-19

Chung sống an toàn với COVID-19 - Ảnh 1.

Khách đến mua hàng đứng sau vạch kẻ để giãn cách 2m tại phố Yên Thái, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội – Ảnh: MAI THƯƠNG

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại nhiệm vụ trước mắt của cả nước là phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh và thúc đẩy điều chỉnh tích cực đời sống xã hội. 

Ông Đam yêu cầu các bộ ngành, chính quyền địa phương trong triển khai quy định chi tiết các giải pháp “chung sống an toàn” phù hợp từng lĩnh vực, từng địa bàn và phải có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Phải có sự điều chỉnh để thích ứng diễn biến mới

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải “chung sống” tuyệt đối an toàn, đồng thời tận dụng thời cơ dịch bệnh được kiểm soát để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bộ đã ban hành hướng dẫn phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất, xây dựng bảng điểm về phòng chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp… 

Tuy nhiên, theo nhiều thành viên Ban chỉ đạo, thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ rất khó bảo đảm tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn, quy định an toàn khi hoạt động, làm việc trở lại.

Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng; cần hướng dẫn quy trình từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón… 

Các địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng chống dịch đối với hoạt động của nhóm các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (sửa xe máy, cắt tóc…), lao động tự do, người bán hàng rong… trên địa bàn.

Bộ Công thương cũng cần rà soát, bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. 

Đồng thời tiếp thu các vướng mắc khó khăn, kiến nghị của hệ thống phân phối để đề xuất hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế thực hiện biện pháp sàng lọc cao nhất: phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm, xét nghiệm những người có triệu chứng… 

Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP căn cứ vào hướng dẫn của ngành y tế có quy định phù hợp tình hình địa phương.

Chung sống an toàn với COVID-19 - Ảnh 2.

Hành khách khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: CÔNG TRUNG

Từng ngành sẽ cập nhật hướng dẫn mới

Về vấn đề đi lại an toàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết bộ sẽ rà soát các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, taxi…, cập nhật thêm các biện pháp phòng chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế và các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc phòng dịch trên các phương tiện giao thông như: lái xe phải đeo khẩu trang, chở đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe… 

Theo ông Hùng, không chỉ đi lại an toàn mà đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây về đi học an toàn, trường lớp an toàn, bộ sẽ phối hợp với ngành y tế bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp học. 

Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy cho hay các hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ… do bộ này ban hành trước đây sẽ được bổ sung các biện pháp mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế.

Chung sống an toàn trên từng lĩnh vực

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chung sống an toàn với COVID-19 trước hết phải từ các giải pháp đơn giản nhất: đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không tụ tập đông người.

– Về sức khỏe: khi có bệnh không đổ xô tới bệnh viện mà phải liên hệ với cơ sở y tế, chỉ đến khi có hẹn.

– Về học hành: Bộ GD-ĐT phải rà lại các quy định, công tác chuẩn bị để đảm bảo học sinh trở lại trường an toàn.

– Về đi lại: ngành giao thông vận tải phải quy định chi tiết về phòng bệnh cho từng loại hình: hàng không, xe khách, tàu hỏa, taxi…

– Về sản xuất – kinh doanh: từ nhà máy lớn, công ty nhỏ cho tới tổ hợp tác, người làm nghề tự do đều phải được hướng dẫn cụ thể biện pháp an toàn phòng dịch. Các cơ quan công quyền phải tổ chức làm việc tại nhà.

– Về hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch: tiếp tục hạn chế tập trung đông người; các hoạt động hiếu hỉ cũng phải hạn chế tập trung đông người.

Tìm cách sống chung với COVID-19 Tìm cách sống chung với COVID-19

TTO – Nếu xem COVID-19 như một trận lũ quét qua khắp ngõ ngách thế giới, thì Trung Quốc và Hàn Quốc là những nơi đầu tiên hứng lũ dữ và đang tìm cách sống chung với lũ!


N.T. – CHINHPHU.VN

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan