Theo ông Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau khi kiểm soát tốt các ca nhiễm, ngành y tế TP.HCM có thời gian củng cố hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn mới.
“Cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước khi các trường hợp bệnh mới và sự lây lan vẫn luôn hiện hữu” – ông Dũng nói.
TP.HCM sẽ đón 11.000 người từ nước ngoài về
“Cách ly, cách ly triệt để. Xét nghiệm, xét nghiệm nhanh chóng” – đó chính là khẩu hiệu hành động được ông Nguyễn Trung Hòa, giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, áp dụng mang lại những thành công chống dịch bước đầu.
Theo ông Hòa, đơn vị đã nhẹ gánh phần nào vì chỉ còn theo dõi cách ly 1 người và mọi công tác chuẩn bị cho giai đoạn 3 chống dịch đã “vào guồng”.
Theo ông Hòa, với chính sách bảo hộ công dân, dự kiến giai đoạn sắp tới TP.HCM đón khoảng 11.000 người từ nước ngoài trở về. Khác với cách đây hơn một tháng, lần này với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mỗi người từ nước ngoài về sẽ được bố trí cách ly 1 phòng riêng, nghĩa là được “cách ly trong cách ly”.
Điều này hoàn toàn khác so với trước đây khi lượng người “đổ bộ” quá lớn nên có tình trạng dồn nhiều người trong một phòng làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Một chuyên gia dịch tễ ở TP.HCM khẳng định giai đoạn chống dịch mới ắt hẳn tồn tại nhiều nguy cơ nhưng cũng là thời cơ để người dân tìm cách thích nghi “sống chung” với tình hình mới.
“Quan trọng nhất để phòng ngừa lây lan dịch bệnh vẫn là tuân thủ việc mang khẩu trang. Nếu tất cả mọi người đều giữ được thói quen này thì đó chính là chìa khóa hạn chế tối đa sự lây lan nguồn bệnh” – chuyên gia này nói.
Bài toán sống còn
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, bài toán sống còn của giai đoạn 3 là phát hiện sớm trường hợp nhiễm mới mắc, nhất là các trường hợp không có yếu tố dịch tễ, để nhanh chóng bao vây dập dịch nhằm ngăn chặn chuỗi lây truyền trong cộng đồng. Đặc biệt, phải cách ly điều trị kịp thời các ca nhiễm, hạn chế mức thấp nhất số ca tử vong.
Ông Dũng cho biết TP.HCM đã lên phương án sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ.
Một loạt giải pháp được triển khai đồng bộ như nâng cao năng lực các đội phản ứng nhanh, năng lực xét nghiệm; tổ chức xét nghiệm sàng lọc các nhóm nguy cơ cao như hành khách sân bay, nhà ga, bến xe, công nhân tại khu lưu trú, trong khu công nghiệp.
Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng chống dịch như giám sát chuỗi lây nhiễm, giám sát cách ly y tế, khai báo y tế, truy dấu tiếp xúc gần với người nhiễm.
Ban An toàn thực phẩm TP.HCM dự kiến ngày 30-4 sẽ hoàn thành các bộ tiêu chí an toàn sống chung với dịch bệnh với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban An toàn thực phẩm TP – khẳng định cần phải có kế hoạch “sống chung với lũ”, chứ không thể cấm mãi đợi dịch an toàn 100% mới trở lại cuộc sống, kinh doanh bình thường.
“Cho đến thời điểm này một số bộ phận người dân có sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Cần nhớ rằng các bộ tiêu chí chỉ đưa ra giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ, cái chính ở đây vẫn là ý thức tuân thủ quy định và tự bảo vệ của mỗi người dân” – bà Lan nói.