Gạo chờ được xuất khẩu – Ảnh: TT
Trong bản báo cáo này, thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị xem xét và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định gây tổn hại đến lợi ích doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp những thiệt hại như phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Tại báo cáo, thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, thời gian qua thị trường lúa gạo thế giới sôi động, giá tăng do diễn biến của dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia tăng lượng dự trữ.
Trong khi đó, vụ đông xuân 2020 nhiều hộ nông dân Việt Nam được mùa, có cơ hội bán lúa, gạo với giá cao. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.
Nhưng công tác điều hành xuất khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp, cử tri và một số địa phương có văn bản, đơn thư, ý kiến tới Chính phủ, các bộ, ngành, thậm chí có đơn thư “cầu cứu”. Các cơ quan truyền thông thời gian qua đã liên tục phản ánh vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, cho rằng có chuyện gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.
Qua thực tế đó, thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng các cơ quan chức năng cần phải đưa ra giải pháp điều hành công khai, minh bạch, có lộ trình cụ thể về xuất khẩu gạo năm 2020, tránh tình trạng bị động, manh mún, giật cục, gây thiệt hại, bị động cho nông dân và doanh nghiệp.
Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ rà soát những mặt hàng, lĩnh vực khác bị tác động của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia để chủ động trong chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.
Cơ quan của Quốc hội cho rằng cần sử dụng các biện pháp trong điều hành xuất khẩu gạo theo quy luật thị trường, có lộ trình hợp lý, công khai, minh bạch. Trong trường hợp phải tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần có giải pháp tổng thể, tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.