Khách hàng xếp hàng giãn cách chờ thanh toán tiền tại siêu thị ở TP.HCM chiều 21-4 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ xin trích lược phần giải pháp từ nay đến cuối năm 2020.
Một đất nước gần 100 triệu dân, ở ngay sát trung tâm dịch của thế giới đầu năm 2020, song cả nước ta chỉ có 268 người bị nhiễm, đã điều trị khỏi hầu hết, không có người chết, trong khi 95% năng lực giường bệnh điều trị COVID-19 chưa sử dụng đến. Việt Nam đã phòng dịch xuất sắc, đã chuyển giai đoạn từ ngày 29-3, nên không xảy ra dịch trong khi đại dịch bùng phát toàn cầu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN
Các nước đã chuyển giai đoạn, phải thiết kế lộ trình và các điều kiện phù hợp để nới lỏng sự hạn chế đi lại, tiếp xúc, giao lưu của người dân, mở lại trường học, cửa hàng, các dịch vụ một cách phù hợp, đưa ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động mới của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để không làm lây lan COVID-19 mạnh dẫn đến dịch. Chừng nào chưa có vắcxin thì khi đó không thể loại trừ lây nhiễm, song vẫn có thể kiểm soát được như đã và đang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác.
Mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, ngành nghề phải chấp nhận một số quy định về hành vi cá nhân và hoạt động của cơ quan mình, doanh nghiệp của mình, tổ chức của mình, địa phương của mình khác với trước đây để phòng COVID-19 và ngăn chặn không để xảy ra dịch.
Theo các hướng này, các cơ quan, doanh nghiệp phải đặt ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, trường học, bệnh viện mà không làm lây nhiễm bệnh. Riêng với TP.HCM cần hoàn thành các công việc này trong tháng 4 để triển khai áp dụng từ tháng 5-2020.
Việt Nam đã thể hiện tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ từ cấp Thủ tướng, kích hoạt cơ chế phản ứng với COVID-19. Theo những gì chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn.
Ông TAKESHI KASAI (giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO) phát biểu tại họp báo ngày 21-4
Do nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam còn đang chống dịch, kinh tế chưa phục hồi nên cần lấy nhu cầu trong nước của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu cho các doanh nghiệp, đồng thời bám sát nhu cầu tăng lên từng ngày của các nước đã chuyển giai đoạn để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư hai chiều với các đối tác này.
Từ thực tiễn của Việt Nam và bài học của các nước có thể hình dung: nếu kiểm soát xâm nhập dịch từ bên ngoài vào Việt Nam tốt, phòng dịch trong nước ở tất cả các địa phương, ngành nghề, gia đình và mỗi người tốt thì khi số người nhiễm COVID-19 cần điều trị một lúc ở Việt Nam không quá 1.000 người, thậm chí lên đến 2.000 người thì hệ thống y tế Việt Nam vẫn xử lý được, không quá tải, không gây rối loạn bệnh viện và xã hội. Hệ số lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam trong gần 90 ngày qua là 0,65, tức nhỏ hơn 1, do đó đã không có dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Bây giờ là lúc mỗi người dân và hệ thống chính trị không được chủ quan, tự buông lỏng kỷ cương, phải chuẩn bị tích cực nhất để từ tháng 5-2020 thực hiện lộ trình chuyển toàn bộ đời sống xã hội, đời sống kinh tế sang trạng thái bình thường mới với mình và cùng cả thế giới.