May khẩu trang tại Công ty may TNG Thái Nguyên – Ảnh: N.Q.P.
Để xuất khẩu khẩu trang y tế, doanh nghiệp phải xuất trình bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế.
Hoặc bản chính biên bản thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế, trong đó phải nêu rõ số lượng khẩu trang y tế hỗ trợ, thời gian cam kết hỗ trợ không quá 3 tháng kể từ ngày ký thỏa thuận.
Doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khẩu trang y tế xuất khẩu.
Bộ Y tế cho rằng đó là giải pháp để tránh việc các cơ sở y tế không thể mua được khẩu trang y tế trong nước để phục vụ công tác phòng chống dịch do việc xuất khẩu khẩu trang y tế có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế chỉ tập trung vào xuất khẩu khẩu trang y tế với giá cao, hủy bỏ các hợp đồng đang thực hiện cung cấp khẩu trang cho các cơ sở y tế.
Đây cũng được coi là giải pháp để tránh tình trạng giá nguyên liệu sản xuất đầu vào và giá khẩu trang y tế tăng cao.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 9-4-2020, Bộ Y tế mới nhận được thông tin về giá và số lượng khẩu trang y tế có thể cung ứng của 20 cơ sở sản xuất khẩu trang, trong khi cả nước có khoảng 47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất tối đa khoảng 25,5 triệu chiếc khẩu trang/ngày trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế đang gặp khó trong tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào do phụ thuộc vào nhập khẩu và giá nguyên liệu có xu hướng tăng cao.
Vì vậy, trên thực tế sản lượng sản xuất khẩu trang y tế thấp hơn rất nhiều so với con số doanh nghiệp đã báo cáo các bộ, ngành.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiểm tra, đánh giá năng lực sản xuất thực tế của doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên địa bàn, giám sát việc ký thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp và các cơ sở y tế.