Bà Lê Thị Hòa – phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM – trao tiền hỗ trợ người bán vé số- Ảnh: TỰ TRUNG
Hơn 7h sáng, bà Nguyễn Ánh Hồng, tổ trưởng khu phố 35 (P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM), men theo con hẻm nhỏ hẹp để đến các khu nhà trọ, tìm người mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Người lao động đợi chờ
Bà Ánh Hồng gõ cửa phòng trọ của vợ chồng anh Bạch Quang Hợp. Cuộc sống của vợ chồng anh Hợp vốn đã cơ cực, nay gặp phải dịp bệnh dịch dường như càng khó khăn hơn. Vợ chồng anh sống bằng nghề nhặt ve chai.
Ngồi trong góc tường khu nhà trọ ọp ẹp, anh Hợp cho biết dịch đến cũng là lúc hai vợ chồng anh túng quẫn vì thu nhập giảm sút trầm trọng. Có những ngày cố gắng đi nhặt ve chai nhưng thu nhập cũng chỉ có vài chục ngàn đồng, tệ nhất là những hôm chỉ có 20.000 đồng.
Cứ thế, bà Hồng đến từng khu nhà trọ để ghi nhận những hộ dân bị ảnh hưởng đời sống, mất việc do dịch bệnh COVID-19.
Bà Hồng cho biết đây là ngày thứ 2 bà đi tìm khắp khu phố để ghi nhận các trường hợp người mất việc. Tuy đã nắm rõ như lòng bàn tay về các hộ dân trên địa bàn phường nhưng bà Hồng gặp nhiều khó khăn trong công tác xác minh.
Nguồn: dự thảo của Bộ Lao động – thương binh và xã hội – Đồ họa: T.ĐẠT
“Quy định nêu rõ thêm nếu là người thu gom rác thì phải chia rõ là thu mua ve chai, rác dân lập, công lập vì không phải tất cả những người thu gom rác đều mất hẳn hợp đồng lao động.
Nhiều trường hợp tự nhận mình là người bán vé số, tuy nhiên phải xác định được bán ở đại lý nào, số lượng ra sao, nếu hướng dẫn cụ thể như thế chúng tôi sẽ bớt gặp khó khăn hơn” – bà Hồng chia sẻ.
Còn tại khu phố 5, P.11 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bà Huỳnh Thị Tính, tổ phó tổ dân phố 63, cũng đi khắp con hẻm 377 trên đường Phan Văn Trị để đến các khu nhà trọ.
Chúng tôi cùng bà Tính bước vào một căn nhà nhỏ, hơn 20m2, nơi sinh sống của 11 người trong một gia đình.
Bà La Đỗ Linh (59 tuổi), là một trong hai lao động chính trong gia đình này nhưng nay vì dịch nên phải nghỉ việc, thấy có cán bộ vào thì mừng như reo: “Bữa giờ chúng tôi rất khó khăn nhưng cũng may chị tổ phó dân phố ở đây tốt bụng, thấy nhà tôi nghèo lại đông người nên có gì cho đó.
Có cơm từ thiện cũng cho, có gạo cho gạo… nên cũng đỡ. Giờ mà được Nhà nước hỗ trợ thêm tiền chúng tôi vui lắm” – bà Linh bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Huê, 84 tuổi (trái) và bà Lê Thị Đào, 80 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM, làm nghề bán vé số, đã nhận 750.000 đồng hỗ trợ – Ảnh: TỰ TRUNG
Gặp khó khi xác minh
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, đại diện UBND P.11 (Q.Bình Thạnh) cho biết các tổ trưởng khu phố và công an khu vực trong quá trình xác minh cũng phải liên tục gọi điện cho phường hỏi về nhiều trường hợp có được hỗ trợ hay không. Đặc biệt là vấn đề tạm trú tạm vắng.
Phường đã đưa tổ trưởng tổ dân phố phối hợp công an khu vực xác minh tất cả 6 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ và lập danh sách. Sau đó danh sách này sẽ được phường xác minh lại một lần nữa để đảm bảo không có sai sót.
Tương tự, đại diện UBND P.6, Q.Gò Vấp cho biết phường đang gặp nhiều khó khăn trong công tác xác minh, thống kê, lập danh sách những người lao động không có ký kết hợp đồng bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để báo cáo số liệu.
Bởi theo lãnh đạo P.6, ngày 20-4 phường mới nhận được văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc rà soát, thống kê số liệu người lao động không có ký kết hợp đồng bị mất việc do COVID-19 trên địa bàn để báo cáo quận.
Ngay sau đó một ngày, cả hệ thống chính trị của P.6 đã phối hợp, bắt đầu triển khai công tác điều tra, xác minh, lập danh sách 6 nhóm đối tượng mà Sở Lao động – thương binh và xã hội yêu cầu.
“Lực lượng sát với người dân nhất là các tổ dân phố và công an khu vực nên phường đã giao nhiệm vụ cho hai lực lượng này thực hiện việc lập danh sách bên cạnh sự giám sát, hỗ trợ của ban, ngành, đoàn thể phường. Ở P.6, Q.Gò Vấp có 6 khu phố (52 tổ dân phố).
Tuy nhiên sáng 23-4 vẫn chưa có tổ dân phố nào nộp lại bảng kết quả khảo sát về phường để báo cáo” – vị lãnh đạo P.6 nói.
Cũng theo vị lãnh đạo P.6, trong quá trình thực hiện công việc trên, nhiều tổ trưởng tổ dân phố báo cáo nếu muốn xác minh một cách khách quan, chính xác thì cần rất nhiều thời gian, nhưng thực hiện trong hoàn cảnh gấp rút nên các cán bộ không khỏi lúng túng.
“Những trường hợp có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp nào đó, phường chỉ cần xác minh chủ doanh nghiệp sẽ có danh sách.
Còn trường hợp lao động tự do không có gì để xác minh rất khó xác định chính xác. Nhưng phường sẽ thực hiện mọi cách, đúng với quy định để những người khó khăn trong mùa dịch này nhận được sự hỗ trợ, không bỏ sót một ai” – đại diện P.6 chia sẻ.
Tuy nhiên, bao giờ tiền hỗ trợ đến tay người khó khăn thì vẫn còn phải chờ…
Đoàn thanh niên P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM tặng bánh mì miễn phí cho những người lao động nghèo – Ảnh: NHẬT THỊNH
Hướng tới sớm nhất, không để lòng vòng
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng sẽ hướng tới đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định hướng dẫn thực hiện chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng từ ngày 15-4.
Tuy nhiên đây là một chủ trương, chính sách lớn chưa từng có tiền lệ, đối tượng người thụ hưởng rất rộng, nên việc phải rà soát, tính toán cần rất cẩn trọng.
Vì vậy đến thời điểm này, Thủ tướng chưa ký ban hành quyết định, có thể hiểu là các cơ quan chức năng đang tính toán rất kỹ để không bỏ lọt các đối tượng thụ hưởng.
Ông Dung cho biết nhóm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo sẽ là những người đầu tiên được thụ hưởng chính sách này ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định.
Người có hợp đồng lao động sẽ được hỗ trợ thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương.
Đối với lao động tự do, bộ đã xây dựng dự thảo thông tư để trình Thủ tướng, dự kiến sẽ gồm có những người bán hàng rong quà vặt, làm xe ôm, thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Sau khi có quyết định của Thủ tướng sẽ có thông tư của bộ chi tiết hóa một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Dân, phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Hà Nội, cho biết công tác chuẩn bị cho việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của địa phương này đã sẵn sàng, chỉ chờ quyết định hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ là “bấm nút”.
Đ.BÌNH
Vợ chồng anh Vũ Đình Vinh (P.6, Gò Vấp) làm nghề thu mua ve chai nhưng đã ế ẩm mấy tháng nay vì dịch COVID-19 – Ảnh: THU HIẾN
Ông Lê Minh Tấn (giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM):
Không để sót người bị ảnh hưởng
Trong các nhóm đối tượng nhận trợ cấp từ gói 62.000 tỉ đồng, người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo thống kê nhanh chóng. Riêng nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động cần nhiều thời gian xác minh hơn.
Tuy nhiên việc thống kê, rà soát cần đảm bảo vừa không để sót trường hợp nào vừa tránh để bị lợi dụng chính sách.
Hiện nay tại TP.HCM, người lao động tự do đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 do tổ dân phố thu thập. Đồng thời người dân cũng có thể tự đăng ký, khai báo cho tổ dân phố để được xem xét hỗ trợ.
Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc báo cáo số liệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch từ ngày 17-4. Số tiền hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng trong các tháng 4, 5, 6-2020.
Theo đó, người lao động được nhận hỗ trợ có đủ các điều kiện sau: Bị mất việc làm và không có thu nhập, hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo TP tính từ thời điểm 1-4-2020.
Cư trú hợp pháp tại địa phương. Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong các công việc sau: thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe hai bánh chở khách, xe xích lô, bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, thể thao, giải trí (bao gồm cả bảo vệ).
VŨ THỦY
Quảng Nam dự kiến dành 500 tỉ đồng hỗ trợ người khó khăn
Ngày 24-4, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp bàn triển khai thực hiện nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh, huyện, xã chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện hỗ trợ người dân.
Ông Trần Đình Tùng – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết tỉnh dự kiến có hơn 500 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Tuần sau tiền sẽ đến tay người nghèo Đà Nẵng
Ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm này về nguồn tiền TP đã sẵn sàng, chỉ chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ về số tiền cho từng nhóm đối tượng và ai là người chi trả thì sẽ thực hiện hỗ trợ ngay cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, đầu tuần tới TP sẽ trích tiền trước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng như người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Tổng số người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP ước tính hơn 113.000 trường hợp.
Cần Thơ: trích 50% kinh phí hoạt động để chi
Ngày 24-4, bà Trần Thị Xuân Mai, giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Cần Thơ, cho biết các quận huyện dự kiến sẽ chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng cố định gồm người có công với cách mạng, gia đình chính sách và hộ nghèo, cận nghèo… từ ngày 27-4.
Cụ thể, hiện Sở Tài chính Cần Thơ đã có văn bản hướng dẫn các UBND quận, huyện về việc trích 50% từ kinh phí hoạt động của quận, huyện chi hỗ trợ cho nhóm này.
Còn nhóm người lao động mất việc, hộ kinh doanh mua bán bị ảnh hưởng, doanh nghiệp… cần trợ cấp hiện vẫn đang rà soát, sẽ chốt danh sách vào ngày 25-4 để dự kiến chi tiền hỗ trợ vào ngày 4-5 tới.
Sóc Trăng: chờ Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn
Ông Trần Văn Chuyện – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết địa phương đã có danh sách các nhóm đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng đang chờ Bộ
LĐ-TB&XH “bật đèn xanh” là tỉnh triển khai ngay. Tỉnh xin ý kiến cho hỗ trợ trước các nhóm thụ hưởng đã có danh sách, nhưng vẫn chưa được bộ này trả lời nên tiếp tục chờ.
Kiên Giang: 11.000 trường hợp nhận 1 triệu đồng/người
Ông Đặng Hồng Sơn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện tại tỉnh này có hơn 11.000 người thuộc diện nghèo.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp tạm thời, nên vừa qua ngành lao động đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp này khoảng 1 triệu đồng/người. Riêng các nhóm đối tượng còn lại, địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH để triển khai.
H.KHÁ – L.TRUNG – TR.TRUNG – T.LŨY – K.TÂM – K.NAM