Thăm khám cho trẻ trước tiêm chủng tại điểm tiêm ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, một trong những địa phương đầu tiên tiêm chủng trở lại sau gần 1 tháng ngưng vì dịch – Ảnh: BÁ ĐOÀN
Theo bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trung bình mỗi tháng có khoảng 140.000 trẻ tiêm chủng khoảng 400.000 mũi tiêm.
Từ 1-4 đến nay, do thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tạm ngừng tiêm chủng trên toàn quốc, ngày 25-4 là buổi tiêm chủng đầu tiên sau gần 1 tháng tạm ngừng tiêm. Một số tỉnh thành phía nam và khu vực Đồng bằng sông Hồng đã tiêm chủng trở lại vào ngày đầu tiên này.
Riêng Hà Nội mặc dù tổ chức tiêm chủng hàng tuần, nhưng do vẫn còn khu vực Hạ Lôi, Mê Linh đang cách ly, và những vấn đề tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), nên Hà Nội sẽ tạm dừng tiêm đến tháng 5.
Để bắt đầu tiêm chủng trở lại, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã làm việc với nhiều địa phương để thống nhất hình thức tổ chức buổi tiêm chủng trong điều kiện phòng dịch. Theo đó, các điểm tiêm chủng sẽ hẹn tiêm chủng theo giờ, mỗi thời điểm không quá 20 trẻ đến tiêm chủng.
Các điểm tiêm chủng bố trí theo hình thức 1 chiều, từ đón tiếp, khám phân loại, tư vấn, tiêm chủng và chờ theo dõi sau tiêm. Tất cả người đưa trẻ đi tiêm chủng đều được đo nhiệt độ trước khi vào điểm tiêm.
Theo bà Hồng, 3 tháng đầu 2020 do có dịch bệnh COVID-19 nên lượng trẻ đến tiêm chủng có giảm so với thông thường.
Thông thường đạt 22-24%/tổng số trẻ sinh ra trong năm nhưng 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 20%. Trong khi tháng 5 tới sẽ bắt đầu mùa dịch viêm não Nhật Bản B và một số bệnh truyền nhiễm khác, nguy cơ có thể bùng phát dịch nếu không đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng.