Những chuyện cảm động ít biết nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ Hai, ngày 27/04/2020 11:08 AM (GMT+7)

Sự an toàn, phục hồi của mỗi người bệnh chính là niềm hạnh phúc của các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch…



Những chuyện cảm động ít biết nơi tuyến đầu chống dịch - 1

Bệnh nhân 57 nói lời cảm ơn y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: Hằng Phạm

Ở nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, với những chiến sĩ áo trắng, sự an toàn, phục hồi của mỗi người bệnh chính là niềm hạnh phúc của họ, dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm ở bất kỳ thời khắc nào.

“Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi”

Khi bước lên máy bay du lịch đến vùng đất đầy nắng và gió Việt Nam, người phụ nữ mang quốc tịch Anh chưa từng nghĩ mình và chồng đã mắc căn bệnh đang đe dọa tính mạng của bao đồng bào ở quê hương mình. Bà bất đắc dĩ trở thành bệnh nhân thứ 24 mắc bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Trên chuyến bay VN0054 từ Anh trở về Việt Nam ngày 2/3, cùng với bệnh nhân 24 là 14 người khác, trong đó phần lớn các khách du lịch đến từ Anh quốc.

Đẫm nước mắt trong buổi công bố và tiễn bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư ra viện, nữ du khách Anh cho biết mình từng nhiều năm làm điều dưỡng nên hiểu rõ nguy cơ tử vong khi nhiễm Covid-19 nếu không được điều trị kịp thời. Ở tuổi 67, bà thuộc nhóm bệnh nhân đối mặt nhiều rủi ro.

Trong những giờ phút cảm nhận rõ ràng sức khỏe đi xuống, chính các y, bác sĩ tại BV Nhiệt đới T.Ư đã nỗ lực điều trị, đem đến hy vọng cho nữ du khách này. “Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống tôi. Ở Anh đã có rất nhiều người chết vì căn bệnh này, còn ở đây các bác sĩ đã làm việc rất chăm chỉ để cứu mạng sống nhiều bệnh nhân”, nữ bệnh nhân 24 chia sẻ trong ngày xuất viện.

Được biết, vợ chồng bệnh nhân 24 đến Việt Nam ngày 2/3, đi du lịch tại Sa Pa rồi được chuyển viện về BV Bệnh nhiệt đới T.Ư sau khi truy dấu từ bệnh nhân thứ 17 được phát hiện vào ngày 5/3.

Nhiều người cũng không thể quên hình ảnh bệnh nhân 57 người nước ngoài dáng cao lớn cúi gập người nói lời cảm ơn tới các y, bác sĩ tại BV Đa khoa T.Ư Quảng Nam sau 21 ngày điều trị tại đây. Từ Anh, cặp vợ chồng bệnh nhân 57 đến Hà Nội, sau đó tới Đà Nẵng và Hội An, rồi phát bệnh và nhập viện ngày 16/3.

“Chúng tôi nhận được sự chăm sóc, điều trị rất nhiệt tình, chu đáo, thật sự là trên cả tuyệt vời. Ở đây các y, bác sĩ không chỉ điều trị cho vợ chồng tôi mà còn rất thân thiện, tâm sự với chúng tôi như những người bạn. Chúng tôi rất hạnh phúc, xin được cảm ơn tất cả”, ông xúc động chia sẻ trong phút chia tay với các y, bác sĩ đã điều trị cho mình. Và có lẽ với họ, đây sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất khi nghĩ về Việt Nam.

Là người trực tiếp thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, TS. BS . Trần Văn Giang, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư chia sẻ: “Mỗi bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện là một niềm vui của tập thể y, bác sĩ. Là bệnh viện tuyến đầu đón nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, dù áp lực tăng lên từng ngày nhưng chúng tôi vẫn luôn quyết tâm để góp một phần công sức của mình vào công cuộc đẩy lùi dịch Covid-19”.

Những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời ở khu cách ly

Những chuyện cảm động ít biết nơi tuyến đầu chống dịch - 2

Em bé cất tiếng khóc chào đời trong thời gian mẹ cách ly

BS. Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn nhớ như in ngày cùng êkíp bác sĩ của bệnh viện mổ đẻ thành công cho 1 thai phụ đang trong thời gian cách ly 14 ngày.

Đó là một ngày đầu tháng 3, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, cũng là lúc chị N.T.H (21 tuổi, quê quán ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đang mang thai tuần 39 quyết định về nước với mong muốn được “mẹ tròn, con vuông”, an lành nơi đất mẹ. Ngày trở về chị H. được theo dõi sức khoẻ sát sao tại cơ sở cách ly trên địa bàn huyện Thạch Thất.

BS. Kiên cho hay, vốn dĩ việc mổ đẻ là chuyện rất bình thường tại một bệnh viện tuyến huyện, tuy nhiên đây lại trong tình huống khá đặc biệt, sản phụ đang được theo dõi nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, kíp mổ gồm 20 cán bộ, nhân viên y tế được huy động.

Ca mổ áp dụng đúng những quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế về an toàn thai sản và phòng nhiễm Covid-19. Thế rồi, bé gái nặng 3,1kg cất tiếng khóc chào đời là khoảnh khắc mãi đáng nhớ của đội ngũ y, bác sĩ tại BV Thạch Thất trong mùa dịch này.

“Hậu phương cũng luôn sẵn sàng như tiền tuyến”, BS. Kiên nói vui vậy khi nhắc lại ca mổ bắt con căng thẳng giữa mùa dịch.

Chiều 3/4, khi một bộ phận các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đang phải cách ly do bệnh nhân số 237 ghé qua thăm khám trước khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, các bác sĩ chuyên khoa Sản nơi đây đã phẫu thuật lấy thai thành công cho một sản phụ mang thai ba, đang được cách ly do có yếu tố dịch tễ liên quan tới Covid-19.

Sản phụ là chị T.T.H.Tr (SN 1994, ở Ứng Hòa, Hà Nội) có thai tự nhiên 35 tuần, 3 thai. Do từng đến BV Bạch Mai thăm khám sau khi xuất hiện dấu hiệu tiểu đường trong thời kỳ thai nghén vào các ngày 18, 25/3 trước khi BV Bạch Mai được khoanh vùng “ổ dịch” nên sản phụ Tr. cũng bất đắc dĩ trở thành F1. Chị được cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bất ngờ tại nơi cách ly, chị Tr. có biểu hiện chuyển dạ khi thai nhi vẫn còn non nên nhanh chóng được chuyển đến Đơn nguyên Sản nCoV của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Sau 3 ngày theo dõi sát sao, hội chẩn, 12h45 ngày 3/4, ca mổ lấy thai được bắt đầu. Lần lượt 3 bé trai cất tiếng khóc chào đời với cân nặng là 2,1kg, 1,8kg và 1,4 kg. Sau mổ, sức khỏe sản phụ ổn định còn các bé được đón về Khoa Sơ sinh để tiếp tục theo dõi, chăm sóc.

Ths. BS. Nguyễn Thùy Trang, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Đây là ca mổ sinh 3, non tháng, mẹ có bệnh lý nền, lại thêm có yếu tố nghi ngờ dịch tễ nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cần hết sức nghiêm ngặt. Chúng tôi đã cố gắng để vừa đảm bảo an toàn cho mẹ (bệnh lý tiểu đường dễ bị nhiễm trùng), cho trẻ sinh non (nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp), vừa đảm bảo tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn đối với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19”.

Và còn nữa, rất nhiều trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trong thời khắc đặc biệt, trong các cơ sở y tế cách ly, nơi các y, bác sĩ vẫn ngày đêm tận tụy, chăm sóc bệnh nhân.

Trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19, khi hàng triệu người thực hiện việc giãn cách xã hội bằng cách ở nhà, làm việc online phòng tránh lây nhiễm thì nơi tuyến đầu, hàng vạn y, bác sĩ vẫn ngày đêm trực chiến, dù ở tuyến y tế cơ sở, hay trung ương. Họ gác lại cuộc sống riêng tư và luôn trong tâm thế “xách vali đi chưa hẹn ngày về”.

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, điều an ủi lớn nhất với anh cùng các đồng nghiệp trên khắp cả nước, đó là sự quan tâm, động viên từ cộng đồng, xã hội. Nhiều món quà thực sự có ý nghĩa đã đến với cán bộ y tế giữa mùa dịch, đó là thùng khẩu trang, đồ phòng hộ… hay đơn giản là ly cà phê, suất cơm nhưng luôn kèm lời nhắn gửi đầy xúc động: “Cảm ơn các y, bác sỹ; Chúc các y, bác sỹ sức khỏe và luôn vững vàng tinh thần trên mặt trận phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe và cuộc sống bình yên cho nhân dân”…

Còn dịch bệnh thì còn “chiến đấu”

Là bệnh viện tuyến đầu, rất nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chưa được về thăm nhà. Bệnh viện có khoảng 350 y, bác sĩ thì 150 người được điều động vào tuyến trong, đồng nghĩa cách ly cùng bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các ca trực triền miên khi bệnh nhân được luân chuyển liên tục, cứ hết các ca âm tính ra viện là các ca dương tính, nghi ngờ nhiễm lại nhập viện…

BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chia sẻ: “Trong trận chiến này, còn nhiều lắm các anh, chị, em khác cũng ngày đêm lăn lộn khắp nơi để chung tay cùng dập dịch. Họ vất vả, thậm chí còn hơn anh em bác sĩ chúng tôi. Đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm. Dịch bệnh còn tiếp diễn thì chúng tôi còn chiến đấu”.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhung-chuyen-cam-dong-it-biet-noi-tuyen-dau-chong-dich-d463007.html

Dịch Covid-19 sáng 27/4: Việt Nam đã có 7 người dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2

TP.HCM vừa công bố 2 ca dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người tái dương tính tại Việt Nam lên 7 người.

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan