Câu chuyện ứng xử văn minh trên mạng từng được xới lên nhiều lần và thường xuyên bởi dường như chưa thôi “hạ nhiệt”
Trong tuần qua, câu chuyện về những lời bình phẩm nặng nề trên mạng xã hội dù người bình luận không trực tiếp chứng kiến sự việc, chưa hẳn đã nắm đầy đủ thông tin khiến dư luận lần nữa đặt lại câu hỏi: vì sao người ta có thể dễ dàng xúc phạm, công kích người khác như thế?
Điều đó có thể thấy qua câu chuyện nhiều người dùng mạng xã hội ào ào “ném đá” đội ngũ “ATM gạo”, khi xuất hiện một tài khoản được cho là thành viên của nhóm này đã có sự phân biệt đối xử với người xin gạo; hay chuyện một nghệ sĩ hài hải ngoại bị công kích do nhận quỹ hỗ trợ COVID-19 từ Chính phủ Mỹ…
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của nhà nghiên cứu, nhà văn, nghệ sĩ xung quanh vấn đề này.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân:
“Còm” trước mặt nhưng là “nói sau lưng”
Hiện tượng xúc phạm người khác, chửi bới người khác một cách khá… thoải mái mà chúng ta đang thấy trên các mạng xã hội, tôi thấy không lạ.
Hãy quan sát sự bày tỏ thái độ, bày tỏ ý kiến tại các nhóm người Việt, nhất là những nhóm tập hợp một cách ngẫu nhiên. Người ta công nhiên tranh cãi nhau, bảo vệ điều mình cho là phải, phản bác kịch liệt điều mình cho là sai.
Và nếu những điều được bàn đến lại liên quan đến người vắng mặt thì người vắng mặt đó sẽ bị lãnh mọi sự chê trách. Hành vi kiểu này có thể gọi là nói vắng mặt hoặc chửi sau lưng.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Chúng ta thường thấy xưa nay trong đời sống vẫn có hiện tượng chửi bới kiểu “bề hội đồng”, “kéo bè kéo cánh”. Người đầu têu chửi ai đấy sẽ kéo một đoàn những người cùng nhóm đến trước nhà kẻ họ muốn chửi, mỗi người một số lời, đều chĩa về phía người bị chửi bới kia.
Thực ra là họ đang góp những lời độc thoại, nhắm tới một người khác nhưng không muốn, không chờ người đó nghe và trực tiếp đáp lại.
Mạng xã hội tạo ra môi trường ảo. Người ta thấy lời nói (viết bằng chữ) nhưng không thấy người viết ra lời nói kia.
Do vậy, khi viết lời đáp, lời bình (comment), trên thực tế là người ta đang nói sau lưng (chứ không phải trước mặt) người kia, ngay khi họ nặng lời đến mức chửi bới vẫn không bị phản ứng tức thì bởi họ đang chửi sau lưng.
Giải pháp, theo tôi, người chủ các dòng trạng thái nên xóa những lời xúc phạm, chửi bới, hủy kết bạn hoặc báo cho “nhà cái” trang web. Cách này cũng tương tự như ngoài đời, khi bị ai kéo đến trước nhà mình gào thét mạt sát, chửi bới, bạn nên gọi điện cho công an đến giải tán.
Nhà báo, nhà văn Hồ Bất Khuất:
Giữ “ngôi nhà chung” được sạch sẽ
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam bị xếp vào nhóm 5 nước có cách ứng xử trên mạng xã hội kém văn minh nhất (Tuổi Trẻ ngày 24-2). Đấy là một điều đáng suy ngẫm, càng suy ngẫm càng xấu hổ…
Có thể thấy nhiều cư dân mạng là người có học, có tính tích cực xã hội, muốn góp tiếng nói của mình để tạo nên sức mạnh dư luận xã hội… Những điều này rất tốt.
Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xã hội vẫn còn quá nhiều ý kiến gay gắt, xúc phạm người khác một cách vô lý; lời lẽ vượt quá giới hạn văn hóa, thậm chí là thô tục, khó nghe.
Những người vẫn giữ cách ứng xử này trên mạng xã hội nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, không ai biết tới mình nên cứ nói, viết cho sướng, cho oai.
Thật ra không phải thế, dù bạn có ẩn danh hay dùng nickname khác, nếu muốn biết, người ta sẽ có cách để biết ngay thôi. Mà dùng những lời khó nghe để thóa mạ người khác thì chẳng sướng, chẳng oai đâu!
Nhà báo, nhà văn Hồ Bất Khuất
Ngược lại, người ta sẽ đánh giá bạn vô văn hóa, thiếu giáo dục hoặc là “sản phẩm hỏng” của giáo dục. Bạn có thể không xấu hổ về điều này nhưng cha mẹ, bạn bè, người thân của bạn sẽ đỏ mặt khi biết bạn đã ứng xử như vậy trên mạng xã hội.
Không thể mãi khuyên nhủ, tuyên truyền cần phải tỏ ra văn minh, lịch sự trên mạng xã hội nữa. Cư dân mạng hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta là mạng xã hội để nó luôn thoáng đãng, sạch sẽ, có sức hấp dẫn đối với tất cả mọi người và phát huy được sức mạnh của mình.
Muốn thế, mọi người không cần làm gì nhiều ngoài việc biết tôn trọng người khác và giữ thể diện của mình.
TS Đặng Hoàng Giang:
Cần phân biệt thật giả
Việc cô gái bị khước từ phát gạo do vẻ bên ngoài của mình cho thấy sự thách thức trong hoạt động từ thiện: làm thế nào để giúp người khác một cách tinh tế, nhân văn, bảo vệ nhân phẩm của người nhận?
Đáng tiếc là con người và sự việc thường phức tạp hơn là những gì ta thoáng thấy. Vụ việc này chỉ rõ, sự vội vã trong phán xét sẽ biến thiện chí của ta thành sự tàn nhẫn mù quáng.
Nếu như cơn bão căm ghét hướng tới cô gái đến từ sự hấp tấp của đám đông thì hành vi giả danh nhân viên của công ty phát gạo để đưa ra những phát ngôn khó nghe là một sự độc ác, xâm hại nhân phẩm, cần phải xử lý…
Những năng lượng độc địa này đã không được phát sinh, cư dân mạng đã không bị dắt mũi nếu người ta chậm lại một nhịp, bỏ công ra tìm hiểu tình hình, thu thập thêm thông tin để phân biệt thật giả.
Nhưng thói quen làm “dân phòng trên mạng” – hằng ngày lùng sục trên mạng xã hội xem có ai nói điều gì sai, làm điều gì gai mắt, để bóc phốt, tấn công, sỉ nhục – khiến nhiều người lao vào những thứ như cái tài khoản mạo danh kia như những con thiêu thân.
Tôi cho rằng cộng đồng sẽ yên bình, nhân văn hơn, có tác động tích cực, xây dựng hơn nhiều nếu chúng ta mỗi ngày thay vì sục sạo tìm xem hôm nay mình có thể sỉ vả và tấn công ai thì suy nghĩ xem mình có thể làm gì cho ngày đẹp đẽ hơn, tâm trí nhẹ nhõm, thanh thản hơn, mình có thể khen ngợi ai, có thể an ủi, hỗ trợ ai.
Người mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình Micka Chu:
Lời chỉ trích dễ được chú ý
Nếu muốn phê phán ai đó, làm việc này trên mạng sẽ dễ hơn. Và việc bình phẩm người khác cũng dễ gây chú ý hơn. Rõ ràng những người nói xấu, chỉ trích ai trên mạng sẽ không suy nghĩ cho ai khác mà chỉ suy nghĩ về mình.
Tôi không chú ý lắm về mạng xã hội, cũng không để ý nhiều tới các lời comment (bình luận). Trên Facebook của tôi chưa gặp tình huống bị người khác chỉ trích, song nhiều lần tôi đã thấy người ta chỉ trích, cãi nhau trên nhóm Facebook của cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM.
Người mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình Micka Chu
Tôi nghĩ mình may mắn vì chưa thấy ai nói sai về mình, hoặc có thể họ nói mà tôi chưa hiểu lắm nên tôi không chú ý, chỉ tập trung vào cuộc sống của mình. Nhưng tôi biết nếu một ngày nào đó có ai đó phê phán hay chỉ trích tôi, tôi vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống bình thường của mình và không chú ý tới điều đó.
Theo tôi, trường học cần giáo dục cho học sinh hiểu về mạng xã hội, về cách ứng xử phù hợp khi lên mạng.
Ở Pháp, quê hương tôi, người ta thường có thói quen chỉ trích, bình phẩm, phê phán về một vấn đề nào đó. Người Pháp quan niệm “criticize” (phê bình, chỉ trích) là “analyse” (phân tích) để hiểu về một vấn đề kinh tế, xã hội… nên đó là hành xử rất bình thường.
Trong một số chương trình TV, người ta thậm chí còn trích dẫn lại một số nhận xét, bình phẩm trên mạng xã hội để… cười, vì với họ, những lời chỉ trích không xác đáng chỉ là việc của những người không có gì khác để làm!
Ca sĩ Thủy Tiên:
Không vì hòn đá mà bỏ cảcon đườngTôi đi lắp nước cho bà con miền Tây, nói vui cũng gọi là “ATM nước” miễn phí, nên có chút chia sẻ cùng người sáng chế ra cây “ATM gạo”.
Thật ra làm từ thiện rất khó. Nhiều khi không may mắn gặp việc hiểu lầm cũng dễ có chuyện lớn ảnh hưởng uy tín, danh dự cá nhân.
Nhưng “nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo, dù lòng có rộng lớn thì bàn tay con người của mình nhỏ bé. Việc của mình là làm đúng lương tâm, trách nhiệm của một người sống có ích cho xã hội.
Từ thiện không phải là trách nhiệm bắt buộc của bất kỳ ai, mà tự cái tâm mong muốn chia sẻ, giúp đỡ người khác. Tôi nhiều lần cũng bị vấp phải lời ra tiếng vào, có lúc bị chửi bới nặng nề khi làm công việc thiện nguyện.
Cũng buồn nhưng tôi nghĩ rằng không có con đường nào trải toàn hoa hồng, nên không thể vì một hòn đá nhỏ mình lỡ vấp té mà bỏ đi cả con đường. Vậy nên tâm nguyện của mình thì mình cứ làm, khó khăn chỉ là nhất thời, mọi người rồi sẽ hiểu.