Học giả Mỹ lên tiếng về Công hàm Phạm Văn Đồng

Thứ Sáu, ngày 08/05/2020 08:30 AM (GMT+7)

Các học giả đều cho rằng Trung Quốc suy diễn nội dung Công hàm Phạm Văn Đồng không theo tinh thần luật pháp quốc tế.



Liên quan đến việc Trung Quốc (TQ) gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hợp Quốc có viện dẫn Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 (CHPVĐ), GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Mỹ), nhận định: “Rõ ràng TQ đã xuyên tạc trắng trợn nội dung CHPVĐ”.

Tương tự, Đại tá Raul Pedrozo, cựu cố vấn pháp lý thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, cũng nhận định TQ không đủ cơ sở để nói Việt Nam (VN) thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Ý đồ xấu của Trung Quốc

Theo GS Ngô Vĩnh Long, bằng việc viện dẫn CHPVĐ, TQ có ý đồ bào chữa cho việc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực, cũng như việc đã và đang tiếp tục đe dọa và bành trướng trong Biển Đông. Thêm vào đó, có thể TQ muốn dùng thuyết “estoppel by acquiescence”, tức là nếu VN im lặng hay không phản đối thì có nghĩa VN đồng ý với những đòi hỏi của TQ.

“Tuy nhiên, VN đã liên tục phản đối những đòi hỏi của TQ và phản kháng các hành động trái phép của TQ ở Biển Đông. Một trong những văn bản bác bỏ một cách chi tiết những luận điệu của TQ là Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30-3-2020 được VN gửi đến tổng thư ký Liên Hợp Quốc” – ông Long nói.

Lý giải về nội dung CHPVĐ, GS Ngô Vĩnh Long cho rằng công hàm này không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa, cũng không nói gì đến việc thừa nhận chủ quyền của TQ trên hai quần đảo này. Cụ thể, CHPVĐ viết rất rõ VN “ghi nhận và tán thành” quyết định về hải phận 12 hải lý mà TQ tuyên bố trước đó (tháng 9-1958). Từ “hải phận” trong bối cảnh này phải được hiểu là “lãnh hải”, chứ không phải các vùng biển bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa như một số người nghĩ.

Cũng theo ông Long, CHPVĐ cũng không phải là một hiệp ước quốc tế mà đơn thuần chỉ là tuyên bố đơn phương. Tuyên bố này không có giá trị pháp lý khi xét trên phương diện quốc tế. Dựa vào các án lệ quốc tế và theo Hiến pháp năm 1946 của VN (vẫn còn hiệu lực vào năm 1958) thì một hiệp ước phải được sự chấp thuận của nhiều lãnh đạo gồm chủ tịch nước, phó chủ tịch và nội các (Điều 44). Ngoài ra, những hiệp ước liên quan đến các vấn đề quan trọng chủ quyền lãnh thổ thì phải được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, phê chuẩn thì mới có hiệu lực (Điều 22 và 23). Hiến pháp của VN Dân chủ Cộng hòa (DCCH) không cho phép thủ tướng đơn phương tuyên bố việc quyết định chủ quyền.

“Xét bối cảnh lịch sử cùng với quy định pháp luật VN giai đoạn 1958, chúng ta có thể thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có ý định và cũng không thể phát ngôn thừa nhận Trường Sa, Hoàng sa là của TQ như luận điệu mà phía Bắc Kinh nói lâu nay” – GS Ngô Vĩnh Long kết luận.

Biển Đông: Học giả Mỹ lên tiếng về Công hàm Phạm Văn Đồng - 1

Giới học giả Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam trong việc xác lập chủ quyền ở Biển Đông. Trong ảnh: Lính Mỹ trên tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng ngày 5-3-2018. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc không có cơ sở nói Việt Nam từ bỏ chủ quyền

Cùng quan điểm với GS Ngô Vĩnh Long, Đại tá Raul Pedrozo cũng cho rằng CHPVĐ chỉ đơn giản là bày tỏ sự ủng hộ của VN với chủ trương mở rộng vùng lãnh hải (từ ba hải lý) ra 12 hải lý trong tuyên bố của TQ năm 1958. CHPVĐ không hề công nhận chủ quyền của TQ đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

“VN Cộng hòa mới chính là quốc gia kiểm soát hợp pháp hai quần đảo nói trên giai đoạn 1958. Hiệp định Genève năm 1954 đã chia lãnh thổ VN thành hai phần với ranh giới là vĩ tuyến số 17 và dự kiến thống nhất thông qua bầu cử vào 20-7-1956. Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì thế đều chịu quyền quản lý của chính quyền miền Nam, chính là VN Cộng hòa” – ông Raul Pedrozo phân tích.

Dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý, Đại tá Raul Pedrozo kết luận: “VNDCCH thực tế không có chủ quyền và cũng không thể thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Thế nên VNDCCH không thể có tư cách pháp lý để tuyên bố từ bỏ chủ quyền lãnh thổ hay công nhận chủ quyền của TQ ở các quần đảo vào thời điểm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm năm 1958. Nói cách khác, VNDCCH không có quyền gì để từ bỏ hay chuyển nhượng sang cho TQ cả”.

Cần nói thêm, tháng 8-2014, Đại tá Raul Pedrozo đã công bố một báo cáo với nhan đề “TQ và VN: Phân tích các yêu sách chủ quyền đối lập tại Biển Đông” trên Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA). Trong đó, ông Raul Pedrozo nhận định nhìn từ các thực tế lịch sử và pháp lý, các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông (bao gồm TQ) không có cơ sở để cho rằng VN đã không thực thi quyền kiểm soát hữu hiệu đối với các đảo ở Biển Đông. Họ cũng không có bằng chứng để nói VN đã từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa.

Mặt khác, Đại tá Raul Pedrozo cũng khẳng định VN có yêu sách chủ quyền thuyết phục tại Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các chứng cứ về mặt lịch sử lẫn pháp lý. Trái lại, sau khi VN đã xác lập chủ quyền hợp pháp và hữu hiệu hàng thế kỷ, TQ mới bắt đầu thể hiện ý định chiếm hữu hai quần đảo trên.

Việc TQ dùng vũ lực chiếm đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình (năm 1956), toàn bộ Hoàng Sa (năm 1974) và một số thực thể khác tại Trường Sa (năm 1988) đã vi phạm khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chính vì thế, theo ông Raul Pedrozo, TQ không thể tạo ra “danh nghĩa rõ ràng” ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam không vi phạm nguyên tắc Estoppel

Cũng liên quan đến CHPVĐ, phía TQ cáo buộc VN vi phạm nguyên tắc Estoppel. Theo GS Ngô Vĩnh Long, hiểu nôm na Estoppel là sự “giao kèo,” tức là giao ước hay hợp đồng giữa hai bên hay nhiều bên với nhau. Mục đích của Estoppel là để ngăn ngừa việc các quốc gia có thái độ trước sau bất nhất để trục lợi, gây thiệt hại cho nước khác. Một trong những quy tắc Estoppel được dùng nhiều ở một số quốc gia là “promissory estoppel” (giao kèo bằng lời hứa).

Quan điểm của phía Bắc Kinh là CHPVĐ “đã hứa” công nhận chủ quyền của TQ đối với Trường Sa, Hoàng Sa nhưng hiện tại VN nói mình có chủ quyền đối với hai quần đảo này tức là VN đã “không giữ lời hứa”. Song lập trường của phía Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.

Theo GS Ngô Vĩnh Long, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trong phán quyết việc Úc và New Zealand kiện Pháp vụ thử hạt nhân nói rõ: Khi các quốc gia đưa ra lời tuyên bố hạn chế tự do hành động của mình thì phải giải thích cụ thể. Ngoài ra, khi xem xét nội dung của tuyên bố đơn phương thì phải “xem lời văn trong lời tuyên bố có biểu lộ một ý định rõ rệt không”.

“Đối với CHPVĐ, như đã phân tích, việc soi xét bối cảnh lịch sử và thẩm quyền phát ngôn cho thấy văn kiện này không hàm chứa một “lời hứa” nào về chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. TQ cũng không thể dựa vào CHPVĐ để chứng minh Thủ tướng Phạm Văn Đồng có ý định “hứa” và lập giao kèo công nhận chủ quyền ở hai quần đảo với TQ” – GS Ngô Vĩnh Long kết luận.

Hiệp định Genève đã trao quyền quản lý hành chính Hoàng Sa và Trường Sa, đều ở phía nam vĩ tuyến 17, cho VN Cộng hòa. Chính quyền và Hải quân VN Cộng hòa đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền ở đó trước cộng đồng quốc tế. Thậm chí, phía VN Cộng hòa đã chiến đấu chống lại việc xâm chiếm bằng vũ lực của TQ tại Hoàng Sa năm 1974. Việc VN Cộng hòa có được các nước lên tiếng thừa nhận là một quốc gia hay không thì cũng không ảnh hưởng đến sự thật này.

Về mặt luật pháp quốc tế, theo Công ước Montevideo (năm 1933), cả VNDCCH và VN Cộng hòa giai đoạn 1958 đều là hai pháp nhân theo kiểu quốc gia độc lập. Bởi lẽ cả hai đều có dân sinh sống, vùng lãnh thổ được xác định, có chính quyền và có khả năng thiết lập quan hệ với các nước khác. Vậy nên, tuyên bố và thực thi chủ quyền của VN Cộng hòa với Trường Sa, Hoàng Sa là hữu hiệu.

GS NGÔ VĨNH LONG, chuyên gia quan hệ quốc tế ĐH Maine (Mỹ)

VN đã bắt đầu việc thực thi kiểm soát chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông từ những năm 1950, khi nước Pháp bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương theo lộ trình. Ngày 14-10-1950, Pháp chính thức chuyển giao quyền bảo vệ Hoàng Sa cho quân đội VN. Một năm sau, Thủ tướng Trần Văn Hữu tại Hội nghị Hòa bình San Francisco tái khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không ai trong số 51 quốc gia dự hội nghị lên tiếng phản đối tuyên bố trên. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng cho thấy Trung Hoa Dân Quốc đã từng phản đối tuyên bố trên. Vào giai đoạn đó, Trung Hoa Dân Quốc là đại diện của TQ tại Liên Hợp Quốc.

Đại tá RAUL PEDROZO, cựu cố vấn pháp lý thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/bien-dong-hoc-gia-my-len-tieng-ve-cong-ham-pham-van-dong-911054.html

Biển Đông: Làm rõ 6 vấn đề về Công hàm Phạm Văn Đồng

Công hàm Phạm Văn Đồng không thể được hiểu là một điều ước quốc tế hay thỏa thuận song phương có nội dung thừa…

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan