Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh – Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay 8-5, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2020 rất đặc biệt
Báo cáo cho thấy cử tri đánh giá Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, an sinh xã hội, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
“Cử tri và nhân dân bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, nhất là của ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, của cán bộ ở cơ sở và các lực lượng khác đã rất vất vả, quên mình trên tuyến đầu chống dịch” – ông Lềnh cho biết.
“Từ diễn đàn Quốc hội, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xin trân trọng cảm ơn về sự đồng tâm, đoàn kết của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực ủng hộ phòng, chống dịch bệnh suốt thời gian vừa qua”, ông nói thêm.
Lo lắng trước tình hình suy giảm của nền kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế – xã hội, cử tri và nhân dân cũng bất bình và lên án một số cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều băn khoăn về việc thay đổi và điều chỉnh về phương án thi tốt nghiệp phổ thông trung học và phương thức tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2020 – 2021…
Góp ý vào dự thảo báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Trong hơn 30 năm đổi mới chúng ta chưa bao giờ đứng trước những khó khăn, thách thức như vậy.
Dịch COVID-19 đã để lại hậu quả rất lớn, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng âm. Kinh tế của chúng ta cũng rất khó khăn và chưa lường hết được.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị báo cáo phải có điểm nhấn như trong hoàn cảnh dịch bệnh chúng ta đã chứng kiến nhiều nghĩa cử đẹp, những máy “ATM gạo” và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin của nhân dân.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh – Ảnh: Quochoi.vn
Các vụ như “Đường Nhuệ”, Thủ Thiêm: đại biểu phải có tiếng nói
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết trong số 2.102 kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri (đạt hơn 95%) dù thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành phải tập trung thời gian, nhân lực, vật lực để xử lý, giải quyết những ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra.
Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay thì công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã không ngừng được nâng cao cả về số lượng, tỉ lệ và chất lượng. Một trong những ví dụ nổi bật là Chính phủ đã ban hành nghị định số 100, trong đó đã tăng nặng chế tài xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đồng tình với đánh giá này, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng khẳng định nghị định 100 ra đời có tác dụng lớn, giúp giảm vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, công tác giải quyết chế độ chính sách với người có công, chống hoạt động của các tổ chức tín dụng đen… đã được các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, được cử tri ghi nhận.
Vẫn theo Phó chủ tịch nước, cử tri cũng mong muốn các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH thể hiện vai trò, có tiếng nói mạnh mẽ đối với các vụ việc gây bức xúc trong xã hội.
“Gần đây, liên quan đến vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình hay Thủ Thiêm ở TP.HCM, cử tri cũng nêu vấn đề về vai trò của Đoàn ĐBQH. Dĩ nhiên Đoàn ĐBQH không có chức năng giải quyết các vụ việc cụ thể như vậy, nhưng có trách nhiệm trong việc nêu lên tiếng nói, nguyện vọng của cử tri” – bà Thịnh bày tỏ.
Các bản báo cáo nêu trên, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội vào kỳ họp tới.