Ông Lê Văn Cảnh (phải) trao tấm bản đồ cho TS Lê Tiến Công – phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa – Ảnh: T.B.D
Nếu không đưa được tận tay người có trách nhiệm tấm bản đồ này thì tui có thêm một đêm ngủ không yên.
Ông Lê Văn Cảnh
“Chú cho tôi hỏi địa chỉ trụ sở UBND huyện Hoàng Sa nằm ở chỗ nào?” – người đàn ông này cầm trên tay tờ bản đồ, chân đạp rà xuống mặt đất để ghìm chiếc xe máy rồi hỏi. Hiểu chuyện, một người dân chỉ tay về số nhà 132 Yên Bái, TP Đà Nẵng.
Cuộc tiếp nhận hiện vật bất ngờ
Từ TP Hội An ra và phải loay hoay gần 1 tiếng đồng hồ, ông Lê Văn Cảnh – một cựu tù Côn Đảo hiện sinh sống ở xã Cẩm Châu (Hội An) – mới tìm được đến trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa nằm trong một căn phòng ở tầng 2 dãy nhà công vụ tại 132 Yên Bái. Nhưng khi vừa tới nơi, người phụ trách bảo vệ tòa nhà này cho biết UBND huyện đã chuyển về tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.
Trời nhá nhem tối, ông Cảnh lại tiếp tục vòng xe để dò theo địa chỉ được nhân viên bảo vệ ghi trên mẩu giấy. Không thể vào bên trong, ông liền bốc máy gọi theo số điện thoại viết nguệch ngoạc bằng bút bi. Phía bên kia đầu dây, người tiếp nhận cuộc gọi là tiến sĩ Lê Tiến Công – phó giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ông Công đã rời khỏi nhà trưng bày, nhưng khi nghe giọng của người gọi, vị tiến sĩ này liền quay lại theo địa chỉ được ông Cảnh chỉ dẫn.
Vừa ngồi xuống quán nước ven đường, không kịp cởi chiếc khẩu trang đang trùm kín khuôn mặt, ông Cảnh hớt hải: “Tui già cả rồi mà con gái cũng không rành đường nên hai cha con cứ tìm mãi. Nếu chiều nay không đưa được tận tay người có trách nhiệm tấm bản đồ này thì tui có thêm một đêm ngủ không yên”.
Tấm bản đồ bị rách đôi chỗ ở mép được trải ra vội trên nền đất ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều vị khách ngồi trong quán. Thấy bản đồ Tổ quốc, người chủ quán chạy vào lấy tấm bìa cactông đưa ra để ông Cảnh lót lên “cho khỏi dơ”. Ông Cảnh nói rằng ông tình cờ nhìn thấy được tấm bản đồ này và chỉ kịp vơ lấy rồi chạy ra Đà Nẵng hiến tặng.
Câu chuyện của TS Lê Tiến Công với ông Lê Văn Cảnh kéo dài cả tiếng đồng hồ. TS Lê Tiến Công miết bàn tay, cố dò đọc từng hàng chữ đã mờ được in bằng tiếng Pháp. Thật lạ, ông Công nói dẫu không thể kết luận được ngay nhưng ông ít thấy tấm bản đồ nào có hình dạng và cách bố trí các số liệu như mẩu giấy mà ông Cảnh đã đưa.
“Hoàng Sa đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Là người trực tiếp làm nhiệm vụ tại nhà trưng bày, chúng cháu luôn trân quý và xúc động mỗi khi tiếp nhận được những tấm lòng hướng về Tổ quốc như bác. Tất cả tư liệu, hiện vật dù chưa thể đánh giá quý hay không nhưng là những mảnh ghép về hình hài của Tổ quốc. Cháu thay mặt nhà trưng bày, UBND huyện Hoàng Sa xin nhận lại tấm bản đồ này và sẽ về nghiên cứu, sớm cung cấp cho bác những thông tin liên quan” – ông Công nói với ông Cảnh.
Ông Cảnh với các bằng khen, ghi nhận quá trình hoạt động cách mạng – Ảnh: T.B.D.
Miệt mài đi tìm nhân chứng Hoàng Sa
Câu chuyện của ông Cảnh gây tò mò không chỉ cho chúng tôi mà rất nhiều người dân hôm đó tại quán cà phê. Nhiều người không tin rằng người đàn ông nghèo khổ, lam lũ, tất tả chạy chiếc xe máy từ Hội An tìm đường đi tặng tấm bản đồ lại là một thợ hồ. Khó tin hơn, ông từng có 3 năm chịu án tù khổ sai tại nhà tù Côn Đảo và là nhân vật… trong một tập truyện dành cho thiếu nhi.
Sáng 5-5, chúng tôi dò theo lối nhỏ men theo bờ lúa tại phường Cẩm Châu để tìm tới nhà ông Cảnh. Dịch COVID-19 khiến công việc của ông cùng anh em thợ hồ ngưng trệ, mấy hôm nay ông đành phải ở nhà phơi lúa. Người cựu tù Côn Đảo này nhận ra chúng tôi và chạy thẳng vào nhà đưa ra một xấp bằng khen, giấy tờ mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho ông suốt những năm nằm vùng.
Trên giấy tờ, tên ông là Lê Văn Cảnh, năm nay 69 tuổi nhưng ông được quen gọi là Tiến. Chuyện ông mang tên Tiến cũng có nguồn gốc từ việc ông trốn lính Việt Nam cộng hòa trong những năm chiến tranh.
Ông cho biết mình từng hoạt động bí mật cho cách mạng từ ngày học phổ thông rồi sau đó bị cảnh sát chế độ cũ bắt và đưa đi cải tạo 3 năm tại Côn Đảo. Tới năm 1973 khi trở về quê, để trốn lính, ông phải thay tên đổi họ, lấy tên người em trai mình là Lê Văn Tiến để giấu mình. Nhưng việc này cũng không qua mắt được cảnh sát và ông lại bị bắt làm thông tin viên tại một cơ sở quân sự cho chế độ cũ.
Sau giải phóng, ông trở về lập gia đình và làm thợ hồ ở địa phương cho tới nay.
Về việc “nhặt” được tấm bản đồ bằng tiếng Pháp và tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Cảnh nói rằng vì mình là nông dân, không có nhiều kiến thức nên ông không thể biết được tư liệu đó có giá trị hay không.
“Nhưng cứ thấy bản đồ rất cũ, mà có in bằng tiếng Pháp và có thể hiện nội dung quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thấy ít nhiều sẽ giúp được gì đó cho Nhà trưng bày Hoàng Sa nên tui đi tặng” – ông cười khà khà.
Ông Cảnh nói rằng mấy chục năm nay ông đi làm thợ hồ cùng anh em trong vùng, gặp ở đâu có tư liệu nào hay về chiến tranh, về biển đảo hoặc nhân chứng nào đó liên quan đến Hoàng Sa là ông lại tò mò tìm hiểu.
Một buổi sáng cuối tháng 4, ông đang đứng đợi để photo bảng chấm công cho anh em nhóm thợ thì kế bên có một người phụ nữ bán đồng nát dừng xe để gom giấy vụn. Thấy tấm giấy khổ lớn cuộn tròn, lòi ra mấy chữ Pháp nên ông tò mò lục mở ra xem.
Ông Cảnh liền chộp lấy mẩu giấy này, rồi lao vào tiệm nhờ in ra thành 5 bản. “Mỗi bản họ lấy của tui 90.000 đồng, tui lấy được 3 bản thì hết tiền nên gửi lại hai bản nhờ chủ tiệm photo giữ lại hộ. Tui chạy xe về nhà lục tìm địa chỉ UBND huyện Hoàng Sa tại Đà Nẵng rồi bảo con gái chở ra để tặng” – ông Cảnh kể.
Thật bất ngờ, ngoài tấm bản đồ đã tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Cảnh còn cung cấp cho chúng tôi một loạt danh sách những nhân chứng Hoàng Sa, có người còn sống nhưng cũng có một số người đã mất mà ông đã tự mình đi tìm được.
Trong số các “tư liệu” tự mình gom được, ông Cảnh có một cuốn nhật ký tự thuật “100 ngày sống trên đảo Hoàng Sa” do một người em trai của cựu binh Hoàng Sa (hiện sống ở Mỹ) gửi về tặng, được ông tỉ mẩn chỉnh sửa chính tả, đóng thành tập, làm bìa.
“Tui đã xin phép cựu binh này để tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa” – ông Cảnh nói.
Đóng góp đáng quý cho chứng lý Hoàng Sa
Về tấm bản đồ của ông Lê Văn Cảnh, tiến sĩ Lê Tiến Công cho biết nhà trưng bày đã tiếp nhận và đang chuyển cho các bộ phận chuyên môn, các chuyên gia thẩm định để đánh giá mức độ.
“Dù có giá trị tới mức độ nào thì mỗi đóng góp của người dân cũng là một viên gạch cho tư liệu chứng lý Hoàng Sa. Hơn cả những vật chứng, tư liệu, đó là tấm lòng của người dân hướng về vùng biển thiêng liêng không thể chối cãi của chúng ta” – ông Công nói.