Đoạn Cao Bồ – Mai Sơn đi qua địa phận Nam Định và Ninh Bình là một trong 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giao đoạn 2017-2020 đang được thi công bằng vốn đầu tư công – Ảnh: TUẤN PHÙNG
Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong tờ trình lên Thủ tướng về thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng và nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3-2020, 8 dự án PPP đường cao tốc Bắc – Nam được chuyển sang đầu tư công để khắc phục khó khăn, vướng mắc của đầu tư PPP và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho biết nếu chuyển 8 dự án PPP đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công sẽ giảm tổng mức đầu tư khoảng 3.020 tỉ đồng do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng như đầu tư PPP. Trường hợp được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công có thể khởi công đồng loạt 8 dự án trong năm 2020.
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, nếu chuyển sang đầu tư công sơ bộ tổng mức đầu tư của 8 dự án đường cao tốc Bắc-Nam khoảng 99.493 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị gần 68.000 tỉ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 15.400 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn hơn 7.780 tỉ đồng; chi phí dự phòng hơn 8.300 tỉ đồng.
Nguồn vốn đầu tư gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 52/2017/QH14 thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Đối với phần còn thiếu khoảng 44.493 tỉ đồng, kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.
Để bảo đảm triển khai thành công theo phương án đầu tư công 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 gồm các đoạn: Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội giao Chính phủ xây dựng phương án phù hợp để thu phí hồi vốn đầu nhà nước tại các dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam để giảm áp lực về nguồn vốn quản lý, bảo trì và không làm ảnh hưởng doanh thu các dự án BOT quốc lộ 1.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo nghị quyết số 52/2017/QH14. Theo đó, giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư khoảng 654 km chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng bao gồm 55.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước, 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Với 3 dự án đầu tư công đã thi công dự án Cao Bồ – Mai Sơn từ tháng 12-2019; dự án Cam Lộ – La Sơn khởi công từ tháng 9-2019; cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công gói thầu đầu tiên tháng 2-2020, với phần cầu chính, dự kiến triển khai thi công trong tháng 8-2020.
Còn 8 dự án PPP sau khi hủy sơ tuyển quốc tế chọn nhà đầu tư đã chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước. Đến nay, đã phê duyệt 21 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển tại 7 dự án. Riêng dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư lọt qua sơ tuyển.
Đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn tiếp tục thực hiện bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của 7 dự án có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển đúng tinh thần nghị quyết 52 của Quốc hội. Dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu cho nhà đầu tư khoảng cuối tháng 5-2020, phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 11-2020.