Hiện trường vụ mở đường phá rừng ở vùng giáp ranh 2 huyện Tây Hòa, Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) – Video: TRIỆU XUÂN
Ngày 10-5, ông Trần Hữu Thế – phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – cho biết đã chỉ đạo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, truy tìm thủ phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật vụ lâm tặc dùng xe cơ giới mở đường, phá rừng vùng giáp ranh hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa thuộc tỉnh này.
Con đường dài gần 1km trong rừng
Con đường được lâm tặc dùng cơ giới mở trong rừng – Ảnh: TRIỆU XUÂN
Trước đó, đi thực tế tại khu vực rừng này, chúng tôi nhận thấy hàng loạt cây rừng tự nhiên đã bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển ra ngoài trước khi lực lượng chức năng phát hiện.
Giữa rừng sâu, con đường rộng khoảng 1-2m, dài khoảng 1km, được mở bằng xe cơ giới, mặt đường có dấu xe và chân người còn mới.
Nhiều loại cây rừng lớn đã bị cưa hạ, chỉ còn trơ phần gốc. Loại cây bị chặt hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30-40cm; cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50-60cm. Lâm tặc hạ cây, xẻ thành ván rồi vận chuyển ra ngoài.
Lâm tặc đốn gỗ, xẻ ngay trong khu rừng giáp ranh trước khi lực lượng kiểm lâm phát hiện – Ảnh: TRIỆU XUÂN
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, tại tiểu khu 358, rừng sản xuất thuộc quản lý của xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), có một con đường được san gạt dài 690m. Dọc con đường này có 32 cây gỗ bị cắt hạ, tại hiện trường còn 10 khúc, khối lượng hơn 2,5m3.
Còn tại tiểu khu 312 rừng có chức năng phòng hộ ở xã Sông Hinh (thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh), có 270m đường được mở. Lực lượng chức năng kiểm đếm tại chỗ còn 44 khúc gỗ tròn, khối lượng hơn 35m3.
Các chi cục kiểm lâm liên quan báo cáo rằng số gỗ trên bị lâm tặc cưa chặt cách đây khoảng 1 tháng, hiện chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Vì sao chậm phát hiện?
Ông Nguyễn Văn Toàn – hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh – cho biết: “Đây là khu vực rừng giáp ranh nên mỗi khi tổ chức tuần tra, 4 đơn vị liên quan phải thông báo cho nhau. Sau khi nhận được tin báo của dân, các đơn vị đã phối hợp tuần tra và phát hiện lâm tặc mở đường để vào rừng. Dọc đường vào rừng, cây nào lớn thì lâm tặc đốn chặt, vận chuyển gỗ ra ngoài. Nếu không phát hiện kịp thời thì quy mô có khả năng sẽ còn lớn hơn”.
Vì sao lâm tặc mở đường lớn giữa rừng bằng cơ giới, dấu vết cho thấy cưa chặt cây đã khoảng 1 tháng, mà lực lượng giữ rừng và chủ rừng chậm phát hiện? Ông Toàn cho biết vì đây là khu vực giáp ranh, rừng rộng, lực lượng bảo vệ rừng mỏng phải đi kiểm tra nhiều vùng khác nhau nên việc phát hiện chậm.
Những cây gỗ tròn lâm tặc chưa kịp chuyển đi còn sót lại trong rừng – Ảnh: TRIỆU XUÂN
Còn ông Lê Văn Bé – chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên – cho biết đây là con đường trước đây dân mở vào khu rừng sản xuất, nay lâm tặc lợi dụng dùng cơ giới san gạt, mở thêm một đoạn vào rừng tự nhiên.
“Trước mắt chúng tôi tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát khu vực rừng này để ngăn chặn lâm tặc phá tiếp; đưa số gỗ bị cưa chặt về để kiểm đếm chính xác khối lượng và truy tìm những người vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm vị trí phù hợp để múc phá con đường, ngăn lâm tặc quay lại” – ông Bé nói.
Còn ông Đặng Đình Toại – chủ tịch UBND huyện Sông Hinh – cho biết đã chỉ đạo lực lượng công an huyện, viện kiểm sát nhân dân huyện phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh vụ phá rừng này.
4 tháng, phát hiện 106 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, trong 4 tháng đầu năm 2020, kiểm lâm đã phát hiện 106 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp. Trong đó có 1 vụ phá rừng, 17 vụ khai thác rừng, 20 vụ vận chuyển lâm sản, 59 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật… Kiểm lâm đã giữ hơn 219m3 gỗ các loại.