Từ ngày 3 đến 7-5, Nam Bộ có đợt nắng nóng với nền nhiệt 37 độ C – Ảnh: LÊ PHAN
Số ngày nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ sẽ gia tăng trong đầu tháng 5. Khả năng từ hôm nay 3-5 do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh, nắng nóng xuất hiện diện rộng tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, có nơi sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt.
Khu vực Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-2,5 độ C.
Từ ngày 5 đến 6-5, vùng áp thấp phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên nắng nóng sẽ mở rộng ra toàn Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, riêng phía Tây Bắc Bộ, vùng núi các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có nơi trên 38 độ C, độ ẩm thấp nhất trong ngày phổ biến 35-50%.
Từ ngày 7 đến 10-5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-45%.
Trong khi đó từ ngày 3 đến 7-5, nắng nóng cũng xảy ra ở các tỉnh Nam Bộ, cục bộ ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo mùa mưa tại Nam Bộ năm nay đến muộn hơn năm 2019 vài ngày. Dự báo mùa mưa sẽ rơi vào tuần đầu tháng 5, trong khoảng ngày 10 trở lại.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan – nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong đầu tháng 5, khu vực Ấn Độ Dương có khả năng xuất hiện cơn bão sớm, kích thích gió Tây Nam hoạt động.
Trên khu vực Thái Bình Dương gần Philippines cũng có một vài xoáy sẽ mạnh lên thành áp thấp. Các yếu tố này tạo thành dải thấp vắt ngang qua nước ta, trong đầu tháng 5 mùa mưa sẽ bắt đầu.
Mưa đầu mùa sẽ xuất hiện ở các tỉnh ven biển Kiên Giang, Cà Mau… trước tiên. Mưa giúp tình trạng hạn mặn tại khu vực Nam Bộ lùi dần.
Tình trạng hạn mặn tại Nam Bộ sẽ hạ nhiệt từ tháng 5
Cơ quan chức năng dự báo trong tháng 5, mực nước tại các trạm thượng nguồn sông Mekong ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-1,2m.
Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm dần, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau giảm chậm và đến tháng 5 thì bắt đầu hạ nhiệt.