Thứ Tư, ngày 06/05/2020 13:00 PM (GMT+7)
Mặc dù là “người anh cả”, mang thiên mệnh chiến binh, bảo vệ bờ cõi cho những tộc người anh em khác, giặc dã, thú dữ không sợ, nhưng lạ thay người Mày lại sợ ma đến mức khó lí giải.
Từ già trẻ, gái trai người Mày đều sợ ma đến kỳ lạ
Không muốn nhắc đến chuyện ma quỷ
Trong bữa cơm ăn vội giữa rừng, thiếu tá chuyên nghiệp Phan Văn Kiên, Đồn Biên phòng Ra Mai, người nhiều năm công tác và gần gũi với người Mày kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về phong tục, tập quán của tộc người Mày, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là chuyện người Mày sợ ma.
Thiếu tá Kiên nói, người Mày sợ ma đến kỳ lạ. Chỉ cần nhắc đến từ ma là bất kỳ người Mày nào cũng bủn rủn chân tay, mặc cho lúc đó trời sáng hay tối, đông người hay ít người. Nghĩa địa được người Mày gọi là bãi ma, thường nằm cách xa nơi họ sống và phải phía bên kia suối. Sở dĩ vậy là vì người Mày không muốn con ma tìm thấy đường về nhà. Có lẽ vì quá sợ ma, nên người sống đoạn tuyệt với người chết, nghĩa địa của người Mày hoang lạnh không khói hương, bia mộ. Con cháu người Mày không hề hay biết phần mộ của ông bà tổ tiên mình, họ chỉ đến bãi ma khi đưa tang người chết.
Già làng Hồ Khiên, như thiếu tá Kiên nói, ông là một người đặc biệt, là cuốn “sách sống” của người Mày. Lân la hỏi chuyện, khi nhắc đến từ ma là mắt ông lấm la, lấm lét, mồ hôi trán vã ra. “Chưa ai nhìn thấy hình dạng con ma nhưng sợ lắm, sợ từ tổ tông người Mày cho đến bây giờ” – già làng Hồ Xếp nói. |
Không ít tốp trai tráng được cử đi đào huyệt mộ cho người chết, có khi chỉ mới đào được giữa chừng là họ bỏ chạy thục mạng vì không chịu nổi cảm giác sợ hãi. Người Mày đưa tang rất vội, người chết thường chỉ để trong vòng 1 ngày là đưa đi chôn. Đoàn đưa tang cả trăm người, nhưng cứ rơi rụng dần trên đường đi vì họ sợ không dám đến bãi ma. Những người gan dạ nhất, khi lấp đất xong cho người chết là ù té chạy không dám ngoái đầu nhìn lại. Bằng chứng là huyệt mộ của người Mày rất nông, chỉ vừa đủ lấp kín người chết. Không ít lần thiếu tá Kiên có việc ngang qua bãi ma của người Mày, vô tình bị sập chân xuống huyệt mộ của người quá cố.
Theo già làng Hồ Khiên, tục chôn con theo mẹ của người Mày cũng xuất phát từ việc sợ ma mà ra. Theo đó, khi sinh con, không may người mẹ qua đời thì đứa con còn sống cũng phải chôn theo mẹ, nếu không con ma mẹ sẽ về tìm con và quấy phá dân bản. Cũng may là tập tục rợn người ấy đã chấm dứt cách đây hơn chục năm, nhờ vào sự tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng. Thiếu tá Kiên cho biết, cũng nhờ tuyên truyền, mà nay huyệt mộ của người Mày cũng được đào sâu hơn, lấp đất kỹ hơn, tránh ô nhiễm môi trường.
Sợ ma nhưng lại thờ ma
Người Mày không thờ ma ông bà tổ tiên mà lại thờ ma Đu Đác (các vị thần) và ma xó, nhưng họ không thể giải thích con ma xó từ đâu ra. Nơi thờ ma của người Mày là cái cột nhà nằm trong góc khuất. Ở đó, gia chủ thường treo hình thù của những dã thú trong rừng bằng gỗ, nến sáp ong và một bát nước lấy từ đầu nguồn của khe suối. Nơi thờ ma của người Mày không có bát hương, mỗi khi cúng bái họ đặt mâm cơm nhưng phải có bát canh măng rừng và mời ma về ăn.
Cột nhà ma của người Mày là nơi linh thiêng. Căn phòng nơi có cột thờ ma cấm cửa đàn bà con gái, con rể, chỉ có đàn ông con trai mới có đặc quyền bước vào phòng thờ ma. Điều lạ, mặc dù rất sợ ma người chết, nhưng với ma Đu Đác và ma xó thì người Mày lại xem như thành viên trong gia đình. Bất luận người đàn ông Mày gặp chuyện buồn, vui, hoặc gia đình gặp vận hạn, hay đón khách quý… họ đều đến cột nhà ma nói chuyện với ma Đu Đác và ma xó.
Theo già làng Hồ Xếp, người Mày cũng có thờ ma người chết nhưng với thời gian rất ngắn. Khi trong bản có người chết, người nhà sẽ thông báo với cả bản để đến chia buồn và cùng lo việc ma chay. Thông thường, người chết sẽ được gói trong 1 chiếc chăn và 1 chiếc chiếu, rồi lấy cây lồ ô ven suối về đập vỡ bó thêm vòng ngoài. Nếu nhà khá giả thì giết trâu, mổ lợn để mời những người đến tham gia đám ma. Còn nhà nghèo thì các gia đình trong bản, người góp cân gạo, củ sắn, con gà… để gia chủ làm đám ma. Nhưng dù giàu hay nghèo đám tang của người Mày không thể thiếu rượu. Từ già nam phụ lão ấu… họ uống đến say nghiêng ngả.
Theo thiếu tá Kiên, việc người Mày uống nhiều rượu trong đám tang có lẽ là để xua đi nỗi sợ hãi trước con ma người chết. Một điều đặc biệt trong đám ma của người Mày, con gái hoặc phụ nữ đã có chồng có thể bắn “tín hiệu” yêu đương với bất kỳ người đàn ông nào họ thích mà người chồng không có quyền ghen tuông hay ngăn cấm…
Công đoạn chọn huyệt mộ của người Mày cũng khá li kỳ. Sau khi người chết, vị trưởng tộc sẽ làm mâm cúng báo với thần rừng, thần suối, khấn xin cho con ma mới theo ông bà tổ tiên. Sau đó, người trưởng tộc cùng với tốp thanh niên trai tráng đào huyệt mộ đi trước tìm địa điểm. Trên tay trưởng tộc cầm quả trứng gà, vừa đi vừa khấn nguyện. Khi đến bãi ma, cứ thấy bãi đất nào bằng phẳng là trưởng tộc ném quả trứng xuống đó, nếu quả trứng không vỡ thì phải tiếp tục đi nơi khác, cho đến khi quả trứng vỡ mới tiến hành đào huyệt mộ.
Sau khi mai táng xong, trưởng tộc gọi hồn ma mới về nhà. Trời chạng vạng, vị tộc trưởng và người con trưởng cầm rựa ra đầu bản đón hồn người chết về cúng mời ba bữa tối, gồm: xôi nắm, cá khe nướng, ống lồ ô nước, tất cả bỏ trong một cái khay đan thủ công. Qua ngày thứ tư, trưởng tộc và gia đình cầm khay cúng mời ma mới ra mộ, đặt mọi thứ ở đó. Bắt đầu từ thời khắc này họ đoạn tuyệt với người quá cố.
Tác giả và thiếu tá Kiên (bên phải) trong chuyến lên với người Mày
Nguồn: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bi-an-toc-nguoi-vao-rung-tron-covit-de-nhat-so-ma-1653285.tpo
Gốc gác người Mày không có họ (sau này theo họ Bác Hồ), không có chữ viết, nhưng họ lại lưu giữ một kho tàng văn hóa…