Tháo dỡ hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế – Video: PHƯỚC TUẦN
Hàng chục chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tháo dỡ các xe tăng, máy bay, pháo đang trưng bày bên trong Bảo tàng lịch sử tỉnh ở đường 23-8 về địa chỉ mới ở tại 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế. Kế hoạch di dời ké dài từ ngày 4 đến 19-5.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc tháo dỡ các hiện vật như máy bay, xe tăng được thực hiện một cách chi tiết, cẩn trọng cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đảm bảo được sau khi về nơi mới hiện vật vẫn giữ nguyên trạng hiện có.
Tùy theo kích cỡ và quá trình vận chuyển sao cho thuận lợi, việc tháo dỡ sẽ được tính toán một cách kỹ lưỡng. Trong đó, ưu tiên tháo dỡ các loại cánh máy bay và một số bộ phận khác của máy bay, để quá trình đưa lên xe di chuyển về địa chỉ mới đảm bảo an toàn.
Các chiến sĩ tháo rời phần cánh trực thăng – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Tại khu vực trưng bày Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế hiện có 7 chiếc xe tăng, 6 khẩu pháo tự hành, 4 máy bay và một số đuôi máy bay, tất cả có kích thước và trọng lượng lớn, nặng đến hàng tấn.
Sau 44 năm trưng bày, các hiện vật đã xuống cấp trầm trọng. Tất cả số hiện vật gốc này đều không có mái che, phơi mình dưới nắng mưa. Các hiện vật trưng bày ngoài trời đều đã rỉ sét trầm trọng, một số chiếc bị mất các bộ phận…
Trong buổi kiểm tra thực tế đầu tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sư tỉnh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án di dời số hiện vật gồm xe tăng, máy bay, các loại pháo. Hoàn thành việc di dời hiện vật trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh trước ngày 19-5.
Trước đó, cuối năm 2018, UBND Thừa Thiên – Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư di dời và nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tại số 268 Điện Biên Phủ có diện tích 7.500 m2 nhằm hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, tạo thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, góp thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Vị trí Bảo tàng lịch sử tỉnh tại di tích Quốc Tử Giám được giao lại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế.
Kiểm tra cẩn thận các chi tiết, ốc vít của trực thăng trước khi tháo dỡ – Ảnh: NAM ANH
Sau khi hội ý, kiểm tra tổng quát, nhóm tiến hành bắt đầu tháo phần cánh quạt của trực thăng – Ảnh: NAM ANH
Do hiện vật để lâu ngoài trời khiến công tác tháo dỡ gặp nhiều khó khăn – Ảnh: NAM ANH
Đây là những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ được Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam – Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Sau khi di dời, vị trí Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế sẽ giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trùng tu, bảo tồn để phục vụ du lịch – Ảnh: PHƯỚC TUẦN