Ba mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được đưa ra tại phiên họp – Ảnh: GIANG LONG
Chiều 28-4, TAND tối cao tổ chức phiên họp hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố chánh án TAND tối cao các thời kỳ.
Kinh phí nằm trong dự án xây trụ sở
Chủ trì phiên họp, ông Nguyễn Hòa Bình – chánh án TAND tối cao – cho biết việc lựa chọn nhân vật tiêu biểu đã được tiến hành trong 2 năm qua với tinh thần thận trọng, có tổ chức hội thảo khoa học lịch sử cấp quốc gia với sự tham gia của các nhà sử học, lấy ý kiến qua phiếu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử…
Qua đó, hơn 70% ý kiến tiến cử phương án dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý.
TAND tối cao cũng lấy ý kiến những người không phải cán bộ nghiên cứu lịch sử, kết quả hơn 80% ý kiến ủng hộ.
“Việc lựa chọn nhân vật đại diện nền tư pháp nước nhà có ý nghĩa lớn trong tôn vinh cống hiến của tiền nhân trong trị vì, xây dựng nền pháp luật nước nhà và qua đây thể hiện thượng tôn pháp luật của đất nước ta có từ hàng trăm năm trước”, ông Nguyễn Hòa Bình nói nhiều nước trên thế giới cũng làm như vậy.
Đến chiều nay 28-4, việc lấy ý kiến trên mạng sẽ kết thúc, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, tòa án sẽ có báo cáo tới cấp thẩm quyền quyết định cho việc dựng tượng.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao phát biểu tại phiên họp – Ảnh: GIANG LONG
Tại cuộc họp, ông Ngô Tiến Hùng – chánh văn phòng TAND tối cao – cũng khẳng định chỉ dựng tượng tại khu vực quảng trường Công lý tại trụ sở TAND tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội) chứ không có chủ trương dựng tượng tại các tòa án khác.
Về ý kiến nói tốn kém, Văn phòng TAND tối cao cho biết việc thiết kế và kinh phí xây dựng tượng nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Không chọn sự ngoại lai
Thuyết trình trước hội đồng nghệ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường – nguyên phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thuộc Bộ văn hóa, thể thao và du lịch – cho biết chính ông đã sáng tác 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông.
Ông Cường nói bản thân rất bất ngờ vì sự quan tâm của dư luận quan tâm đến việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông. “Bình thường làm nghệ thuật điêu khắc thì cũng chỉ trong nội bộ ý kiến thôi. Nhưng lần này cả thế giới bàn. Điều đó làm tôi thực sự… choáng”, ông Cường chia sẻ.
Về ý kiến nói mô hình giống tượng Lý Thái Tổ (cha vua Lý Thái Tông) đang được đặt ở Bờ Hồ, ông Cường giải thích: “Vua đương nhiên quần áo giống nhau, chỉ khác nét mặt. Bố con giống nhau là đúng nhưng ở đây tôi làm khác chút, với nét mặt vui tươi như đang đối thoại với người dân”.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường thuyết trình trước hội đồng nghệ thuật – Ảnh: GIANG LONG
Tại cuộc họp, đa số chuyên gia đề nghị lựa chọn phương án tượng số 1 hoặc số 2 thay vì mẫu 3 có cầm cán cân công lý hơi hướng ngoại lai. Nhưng mẫu 1 hay 2 cũng cần điều chỉnh một vài chi tiết như không nên mang gươm, thêm sự uy nghi…
Kết thúc phiên họp, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc tiếp thu ý kiến từ các bên “một cách minh mẫn sẽ nâng cao chất lượng đối với việc xây dựng tượng”. Chánh án TAND tối cao đề nghị tác giả tiếp tục hoàn thiện bản phác thảo tượng theo tinh thần chọn bản phác thảo số một (tượng vua nâng cuốn Hình thư) nhưng có một số điều chỉnh cho bản phác thảo này thuần Việt hơn, mang bản sắc của thời Lý hơn, chứa đựng thêm nhiều thông điệp giáo dục…
Ông Bình cũng lưu ý trong thời gian dịch bệnh COVID-19, dự án chủ yếu tập trung vào hoàn thiện phác thảo chứ chưa xây dựng vào thời điểm này. Việc dựng bức tượng này nếu có sẽ là trong tương lai, bằng sự đóng góp của cán bộ trong hệ thống tòa án chứ không phải dùng ngân sách nhà nước.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc TAND tối cao chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý đã gây ra những ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc dựng tượng gây tốn kém, lãng phí không cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay.