Thứ Hai, ngày 11/05/2020 09:00 AM (GMT+7)
Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và điều chỉnh lại quy định cho phù hợp với Việt Nam.
Sau bài viết “Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn suốt cả ngày”, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ nhiều người trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Một số ý kiến cho rằng yêu cầu này không phù hợp với điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những phân tích việc sử dụng đèn khi tham gia giao thông là hợp lý nhằm đảm bảo an toàn, giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số ý kiến góp ý về đề xuất này.
Ông PHẠM VĂN HÒA,Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp:
Quy định bật đèn xe máy cả ngày là phi lý
Một số nước ở châu Âu quy định bật đèn chiếu sáng vào ban ngày trong điều kiện thiếu ánh sáng làm giảm khả năng quan sát của người đi đường, đặc biệt vào mùa đông có tuyết, sương mù… Còn Việt Nam là nước nhiệt đới, trời nóng nên quy định bật đèn cả ngày không phù hợp.
Tất nhiên, việc bật đèn xe có tác dụng và cần thiết đối với một số tỉnh miền núi phía Bắc có lúc sương mù hoặc gặp mưa. Tuy nhiên, không nên áp dụng quy định này cho cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Nam. Với điều kiện thời tiết bất thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, tôi nghĩ người tham gia giao thông biết cách điều chỉnh đèn cho phù hợp để bảo vệ tính mạng của bản thân khi tham gia giao thông.
Cạnh đó, nếu bật đèn cả ngày thì tuổi thọ của bình ắc quy, bóng đèn sẽ giảm đi, tăng chi phí cho người dân. Chắc chắn có người đặt câu hỏi quy định này có lợi ích nhóm với nhà sản xuất bình ắc quy, bóng đèn không? Tôi cho rằng Bộ GTVT khi đưa ra một quy định cần xem xét có phù hợp với tình hình thực tiễn và đời sống sinh hoạt của người dân không, có phù hợp với lòng dân không, không phải áp đặt ý chủ quan của mình. Tóm lại, tôi cho là quy định phi lý…
Với tình trạng kẹt xe thường xuyên ở các TP lớn, việc phải bật đèn xe cả ngày sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, góp phần làm khí hậu nóng lên. Ảnh minh họa: THU TRINH
TS luật NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng khoa Dân sự – ĐH Luật TP.HCM:
Không nên đưa đề xuất này vào luật
Dù mục đích chính của đề xuất này là nhắm vào sự an toàn như Bộ GTVT nói khi mở đèn sẽ gia tăng sự nhận diện cho những người liên quan hoặc người đối diện nhưng không phù hợp ở nước ta.
Ở Việt Nam, loại phương tiện di chuyển chủ yếu là xe gắn máy, vì vậy việc sử dụng đèn ban ngày, đặc biệt đèn pha, vào xe hơi, xe gắn máy lại mang tiềm ẩn sự bực tức của người tham gia giao thông. Nguy cơ tai nạn nhiều hơn. Ngoài ra, nhiều loại xe máy có chiều cao khác nhau, có những loại xe cao như Honda SH khi bật đèn là chiếu thẳng vào mắt, vào tầm nhìn của xe thấp hơn cũng là nguy cơ xảy ra tai nạn. Hiện người dân còn chưa chú trọng sử dụng đèn trong khi di chuyển, như thay vì bật đèn gần (đèn cốt) thì người lái xe lại sử dụng đèn xa (đèn pha).
Chưa kể, nếu áp dụng quy định này thì nguy cơ chủ xe “độ” đèn tăng độ sáng rất cao. Những loại đèn “độ” sáng sẽ khiến nguy cơ về TNGT tăng lên, còn gây tình trạng xe dễ bị cháy, nổ. Cân đối, so sánh giữa mặt lợi và mặt hại thì không nên đưa đề xuất này vào luật.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, đại biểu Quốc hội TP.HCM:
Đề xuất bật đèn xe theo giờ hay thời tiết rất phức tạp
Quy định này ở châu Âu đã áp dụng từ lâu, trên xe có thiết kế khởi động xe là mở đèn nhằm tăng tính an toàn, nhất là xứ ôn đới. Theo tôi, áp dụng tại Việt Nam cũng tốt. Việc quy định theo giờ trong ngày, điều chỉnh thay đổi theo điều kiện khí hậu như mùa mưa hay sương mù, rồi thay đổi theo mùa đông, mùa hè và thay đổi theo vùng miền sẽ rất phức tạp. Ví dụ, ban ngày ở Sa Pa hay Đà Lạt thì mù sương, cần có đèn, mùa đông ở Hà Nội có ngày mây mù, có ngày nắng. Do vậy, ở châu Âu họ chế tạo xe như thế để áp dụng đồng loạt luôn.
Kỹ sư ô tô, xe máy LÊ VĂN TẠCH:
Xe máy chưa được trang bị đèn nhận diện
Các loại đèn chiếu sáng hiện nay ở các loại xe máy chỉ phù hợp với ban đêm và không nên sử dụng vào ban ngày. Vì khi đi ban đêm, người đi phía sau hoặc phía trước đều có thể thấy được xe khác đang di chuyển, ban ngày mà bật đèn là không hợp lý vì gây ra chói mắt cho người đi đường.
Đồng thời, việc máy phát sử dụng nhiều sẽ nhanh hư hỏng hơn. Bóng đèn bị đốt nhiều cũng nhanh hỏng, đèn pha cũng vậy. Thực tế bóng đèn tiêu hao nhiên liệu khá nhiều vì nó có công suất khá lớn. Dù chưa đo lường được cụ thể từng xe nhưng một chiếc bóng đèn để chiếu sáng được cho con người di chuyển thì công suất khá lớn.
Đối với thời tiết sương mù dày đặc, việc chiếu đèn của xe máy chỉ ảnh hưởng rất ít vì xe máy không được trang bị đèn sương mù. Đây chỉ là loại đèn trắng bình thường. Hiện nay, chỉ có trên ô tô mới trang bị loại đèn sương mù, có ánh sáng cam, vàng.
Tiếp thu ý kiến góp ý để chỉnh lý dự luật Năm 2014, Việt Nam gia nhập Công ước giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Vienna 1968). Trong đó, nước ta cam kết thực hiện các quy định chung của công ước. Vì vậy, quan điểm xây dựng dự luật giao thông đường bộ phải nội luật hóa các luật chung này, trong đó có quy định bật đèn xe máy cả ngày (đèn position light hay gọi là đèn đờ mi). Hiện nay, quy định này không chỉ các nước châu Âu mà các nước Đông Nam Á có mật độ xe và khí hậu tương ứng Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đã thực hiện. Trong đó, Malaysia đã có đánh giá việc áp dụng quy định bật đèn xe máy cả ngày. Kết quả, quy định trên giúp tài xế nhận diện được phương tiện nhanh hơn, TNGT giảm mạnh, đặc biệt tiêu thụ năng lượng của đèn rất nhỏ và không làm tăng lượng nhiệt lên. Cạnh đó, chúng ta thấy các loại xe nhập khẩu hiện nay khi nổ máy đã bật đèn. Nên khi đưa quy định này vào, chúng tôi cũng mong muốn tham khảo ý kiến của người dân để đưa ra một lộ trình cho phù hợp với Việt Nam. Cụ thể, có thể chúng ta xây dựng theo hướng không hồi tố với các loại xe máy cũ chưa được thiết kế đèn nhận diện, chỉ áp dụng với các xe sản xuất mới. Mục đích để các nhà sản xuất trong và ngoài nước khi sản xuất xe máy phải trang bị đèn nhận diện. Chúng tôi nhìn nhận quy định mới bao giờ cũng gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, trước đây nhiều người cũng phản ứng gay gắt nên Việt Nam phải mất 10 năm tranh cãi mới quyết tâm thực hiện. Giờ nhìn lại, chúng ta thấy quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm là cần thiết. Tóm lại, đây cũng chỉ mới dự thảo nên chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến chuyên gia, người dân đóng góp cho dự luật để chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi không cứng nhắc, việc nội luật hóa các quy định chung của quốc tế phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ông NGUYỄN VĂN THẠCH, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) |
Theo bạn đọc Nguyễn Truyền: “Đây là đề xuất không sát thực tế. Việc các phương tiện tham gia giao thông đã tiêu tốn nguyên liệu, ô nhiễm tiếng ồn, gia tăng nhiệt độ, giờ lại đề xuất làm ô nhiễm ánh sáng. Ý tưởng này trước đây đã bị phản đối nên tạm gác lại, bây giờ sao đề xuất lại?”. Đồng quan điểm, bạn đọc Nu cho rằng thời tiết nóng bức, khí thải từ xe các loại đã làm tăng nhiệt độ, nếu quy định thêm việc bật đèn xe sẽ làm nóng thêm. Khi người dân đi đường mà kẹt xe lúc 12 giờ trưa thì bao nhiêu khí thải từ các loại xe, cộng thêm chiếc xe nào cũng bật đèn thì không khí ngay chỗ đó sẽ ra sao? Việc cải thiện tốt nhất là nên mở đường, xây thêm cầu vượt để hạn chế xe tập trung vì đường nhỏ mà lượng xe cộ nhiều. “Việc quy định và bắt buộc các phương tiện tuân thủ đi đúng làn đường là đã hạn chế tối đa TNGT rồi. Đâu cần gì phải đưa ra các yêu cầu bắt buộc bật đèn chiếu sáng ban ngày cho xe máy. Xe máy đi làn xe máy, ô tô đi làn ô tô, không vượt ẩu, lấn làn đường, không sử dụng điện thoại khi lái xe… chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều TNGT” – bạn đọc Mr Dan nêu ý kiến. LT tổng hợp |
Nguồn: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/de-xuat-bat-den-xe-may-ca-ban-ngay-khong-phu-hop-911638.html
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây tranh cãi khi quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang…