Bộ Tài chính cho biết vụ việc 7 cục dự trữ cho gửi gạo nhờ kho của Nhà nước sẽ chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an – Ảnh: CHÂU ANH
Chiều nay 7-5, trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã công khai kết quả kiểm tra việc mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 tại Tổng cục Dự trữ và 22 cục dự trữ khu vực.
Theo kết quả kiểm tra tại kho của 22 cục dự trữ khu vực, có 7/22 cục dự trữ khu vực đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước, vi phạm quy định của Luật dự trữ nhà nước.
Đó là các cục dự trữ khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính kết luận lãnh đạo Tổng cục Dự trữ thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm nêu trên; tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các cục trưởng, chi cục trưởng dự trữ cho gửi gạo vào kho dự trữ nhà nước; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của các cục dự trữ, Chi cục Dự trữ có liên quan đến các sai phạm nêu trên.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu đoàn thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi kho dự trữ nhà nước cho gửi nhờ gạo, 22 cục dự trữ đã không mua được gạo dự trữ năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, đầu tháng 3 vừa qua, các cục dự trữ đã tổ chức đấu thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Kết quả mở thầu, có 28 doanh nghiệp trúng thầu với 178.000 tấn gạo.
Tuy nhiên, đến hết thời hạn ký hợp đồng, 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cung cấp hơn 170.000 tấn gạo. Số gạo được doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp là 7.700 tấn.
Với các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, cơ quan dự trữ đã tịch thu toàn bộ số tiền bảo lãnh dự thầu hơn 27.877 tỉ đồng.
Để đảm bảo mua đủ số lượng gạo 190.000 tấn như Thủ tướng giao trong năm nay, Tổng cục Dự trữ đã mở thầu lại. Theo kế hoạch, ngày 12-5, các cục dự trữ sẽ tổ chức đấu thầu lại để mua hơn 182.000 tấn gạo dự trữ.