Đổi hình thức đầu tư để ‘giải cứu’ các dự án giao thông đang bị nghẽn ở Nam bộ

Đổi hình thức đầu tư để giải cứu các dự án giao thông đang bị nghẽn ở Nam bộ - Ảnh 1.

Cầu vượt Tân Vạn (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, giáp quận 9, TP.HCM) là một nút giao thông quan trọng trên tuyến đường vành đai 3 – Ảnh: VĂN BÌNH

Để tháo gỡ khó khăn, nhiều dự án được đề xuất thay đổi hình thức đầu tư, huy động vốn…

“Giải cứu” đường vành đai 3

Dự án đường vành đai 3 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, có tổng chiều dài 98,5km, với yêu cầu triển khai xây dựng trước năm 2020. Thế nhưng, trừ một đoạn dài 16km đã được Bình Dương xây dựng trước năm 2011, suốt 9 năm qua một số phần của dự án vẫn còn trên giấy.

Ông Trần Văn Thi – tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long – cho biết thời gian qua Bộ GTVT, TP.HCM rất quan tâm đến việc đầu tư hệ thống đường vành đai 3. Từ năm 2010, Bộ GTVT đã giao cho Tổng công ty Cửu Long lập kế hoạch chi tiết và được phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 3 vào năm 2011.

Theo đó, các đoạn từ Bình Chuẩn đến quốc lộ 22 (đoạn 3), từ quốc lộ 22 đến Bến Lức (đoạn 4) và kết nối vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi. Để chuẩn bị cho kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, cuối năm 2019 Tổng công ty Cửu Long tiếp tục cập nhật hồ sơ để trình nội dung nghiên cứu tiền khả thi của đoạn 1, đoạn 3 và đoạn 4 cho Bộ GTVT trước tháng 6-2020. Trên cơ sở đó bộ trình Thủ tướng để báo cáo Quốc hội đưa vào kế hoạch vốn trung hạn.

Theo ông Trần Văn Thi, đoạn 3, đoạn 4 dự kiến đầu tư hình thức hợp tác công tư có vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Thế nhưng, nếu tiếp tục đầu tư theo hình thức này sẽ gặp nhiều khó khăn do phải tổ chức đấu thầu quốc tế trong bối cảnh Luật hợp tác đầu tư công tư chưa có. Việc đầu tư trong nước cũng khó khăn không kém vì việc huy động vốn tín dụng rất khó, sẽ làm chậm tiến độ dự án.

Vì vậy, ông Thi cho rằng để đẩy nhanh tiến độ cho đoạn 3, đoạn 4, Tổng công ty Cửu Long đã đề xuất xem xét sử dụng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc cho giai đoạn 3, nguồn vay ADB cho đoạn 4. Sau khi đầu tư xong, nghiên cứu nhượng quyền khai thác lại cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn, giảm nợ công.

Tổng công ty Cửu Long cho biết đang triển khai trước việc tuyển chọn tư vấn thiết kế, khi hiệp định được ký sẽ tiến hành làm ngay. Đồng thời, Bộ GTVT làm việc với TP.HCM, Đồng Nai để triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Các nghiên cứu của tư vấn Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá việc đầu tư đường vành đai 3 mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cụ thể, chỉ số nội hoàn về kinh tế trên 15%, không những thúc đẩy kinh tế của TP mà còn các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Để gỡ khó cho dự án này, mới đây Thủ tướng đã ban hành quyết định ký hiệp định vay dự án “Xây dựng đường Tân Vạn – Nhơn Trạch” giai đoạn 1 thuộc dự án đường vành đai 3 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Thủ tướng cũng giao Bộ

KH-ĐT phối hợp Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư công cho dự án trên theo quy định, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ GTVT, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án theo đúng các điều kiện cam kết với nhà tài trợ, bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích và bố trí đầy đủ kịp thời vốn đối ứng cho dự án.

Xây cầu vượt sông Thị Vải

Dự án cầu Phước An (bắc qua sông Thị Vải), có tính chất đặc biệt quan trọng vì kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Qua đó, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Ngoài ra, cầu Phước An còn giúp kết nối hạ tầng giao thông cho các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án cầu Phước An, sau gần 10 năm lựa chọn hình thức đầu tư, đến nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định đầu tư công bằng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Thế nhưng do chưa được bố trí nguồn vốn đầu tư công nên Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương xây dựng bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, vì gặp nhiều vướng mắc nên dự án chưa thể triển khai được theo các hình thức đầu tư trên.

Với quyết tâm thực hiện dự án, tháng 1-2018 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT). Từ đó tỉnh này đã giao Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải làm chủ đầu tư, lập báo cáo tiền khả thi, đầu tư cầu bằng nguồn ngân sách nhà nước. Hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các sở, ngành thông qua và đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

* Ông Trần Bá Luận (giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương):

Cần đầu tư đường vành đai 3 ngay

Đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương còn từ Bình Chuẩn đến quốc lộ 22 dài 8,2km, đoạn từ Nhơn Trạch đi Tân Vạn dài 1,3km chưa được đầu tư. Việc sớm đầu tư đường vành đai 3 hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tăng kết nối vùng giữa các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

* Ông ĐẶNG HOÀNG TUẤN (phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An):

Điểm nhấn liên kết cùng phát triển

Huyện Đức Hòa và huyện Bến Lức là hai địa phương công nghiệp của Long An. Thời gian qua cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp.

Đặc biệt, phía bắc Bến Lức giáp với TP.HCM hiện rất thiếu đường giao thông kết nối. Trong khi khu vực này được tỉnh quy hoạch khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ… nên đòi hỏi phải phát triển hạ tầng.

Việc đầu tư đường vành đai 3 kết nối với quốc lộ 22 đến phía bắc Bến Lức, từ đó kết nối vào tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Bến Lức – Long Thành là điểm nhấn liên kết vùng để cùng phát triển.

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan