Xe cộ xếp hàng dài trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Ảnh: A LỘC
Trực tiếp đi trên tuyến đường này vào sáng nay, anh Trần Văn Bạn ngao ngán nói rằng dù đã cố gắng đi sớm để tránh kẹt xe nhưng cả nhà vẫn bị kẹt lại trên đường hơn 30 phút rồi. Tới 11h30, tình trạng kẹt xe kéo dài và chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó lượng xe đổ về ngày càng đông.
“Nhiều xe muốn đi nhanh đã tràn vào làn đường khẩn cấp để chạy. Nhiều tài xế rất bức xúc vì dù kẹt xe kéo dài hàng km nhưng trạm thu phí không hề thực hiện xả trạm để giải tỏa ùn tắc như qui định”, anh Bạn bức xúc.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E, đơn vị quản lý cao tốc) cho biết mật độ xe từ TP.HCM đi Dầu Giây đông, các xe chạy chậm trên cầu Long Thành. Ngoài ra, lượng xe tại trạm thu phí Long Phước đông, di chuyển chậm kéo dài đến nút giao An Phú hướng TP.HCM đi Long Thành. Còn tại trạm thu phí Dầu Giây, các xe đi chậm hướng từ Long Thành đi Dầu Giây.
Công ty này cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do xảy ra va chạm liên tục trên cầu Long Thành.
Để khắc phục, Cục Cảnh sát giao thông và đội tuần tra công ty đã điều tiết, giãn xe cộ xuống nút giao Vành đai 2.
Công ty này sẽ tiếp tục theo dõi, triển khai các phương án giải quyết ùn tắc giao thông để giúp người dân đi lại nhanh hơn.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi về việc có xả trạm khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc, lãnh đạo Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam chưa trả lời câu hỏi này.
Theo tìm hiểu, đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phải xây dựng phương án xả trạm khi xảy ra kẹt xe. Việc này từng được cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở.
Trong phương án chống ùn tắc dịp lễ tết mới đây, VEC-E đã báo cáo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam về đề xuất mở bán vé giấy (bán vé thủ công), phân luồng từ xa… nếu các dòng xe xếp hàng tại các trạm thu phí từ 300m trở lên.
Trong phương án chống ùn tắc mà VEC – E báo cáo không nêu phương án xả trạm. Do đó, VEC – E thừa nhận phương án này chưa được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận và Cục Quản lý đường bộ IV từng nhắc nhở và yêu cầu hoàn thiện, cung cấp cơ sở pháp lý.
Xe ôtô nối đuối trên cao tốc – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thành – Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV – cho hay đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam về các phương án xả trạm khi có kẹt xe ở trạm thu phí.
Cục cũng đã làm việc với đơn vị quản lý trực tiếp cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là VEC-E yêu cầu phải tuân thủ các phương án xả trạm khi ùn tắc.
“Lực lượng thanh tra thường xuyên ra tại các trạm thu phí để trích xuất camera. Nếu kẹt xe kéo dài ở trạm thu phí buộc phải xả trạm. Còn nếu đơn vị quản lý cao tốc không chấp hành, Cục sẽ phối với hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử phạt theo nghị định 100 của Chính phủ”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, lực lượng của Cục quản lý đường bộ IV đã từng lập biên bản nhắc nhở đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vì để xảy ra kẹt xe, đồng thời đã báo cáo Tổng cục đường bộ Việt Nam để có hướng xử lý.
Ông Thành cho hay thông thường các vụ kẹt xe trên tuyến cao tốc này lại thường xảy ra trên cầu Long Thành, trong khi trạm thu phí không kẹt.
Qui định xử phạt nếu ùn trắc tại trạm thu phí
Tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP qui định: Phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo qui định để xe ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe từ 100 đến 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750 – 1.000m. Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10 – 20 phút.
Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu để số lượng xe ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe từ 150 – 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 1.000 – 2.000m.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ vi phạm Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều 15 mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.