Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức, kém tài

Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức, kém tài - Ảnh 1.

Các thí sinh dự thi công chức TP.HCM tại Học viện Cán bộ TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Nguyễn Minh Tuấn – viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – nhận định:

– Hai trong số những vấn đề quan trọng nhất cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị Đại hội Đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc thông qua cương lĩnh bàn về chủ trương, quyết sách trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong giai đoạn 5 năm tới và bầu ra những con người trực tiếp tham gia thảo luận, quyết định và cũng là người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực thi quyết sách ấy.

Việc ban hành quyết sách cần người có trí tuệ, tầm nhìn, đồng thời cũng phải tìm những người mà sau khi ban hành quyết sách đó có khả năng tổ chức đưa quyết sách đi vào thực tiễn cuộc sống đáp ứng yêu cầu của một giai đoạn cách mạng mới.

Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức, kém tài - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Ảnh: LINH NGUYỄN

Tại sao trên một dòng sông có cát, nơi này có cát tặc mà nơi khác lại không? Tại sao địa phương khác có rừng mà người ta giữ được, còn mình lại để nó tan hoang? Trung ương, báo chí nói suốt rồi, chỉ có 2 nguyên nhân chính: hoặc buông lỏng lãnh đạo, không xử lý cán bộ cấp dưới sai phạm, hoặc phải xem xét có bảo kê, có lợi ích nhóm hay không?

Ông NGUYỄN MINH TUẤN

Chọn 1 người không đủ tiêu chuẩn là bỏ sót 1 người đủ đức, tài

* Vấn đề nhân sự, lựa chọn cán bộ đang được đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để không bỏ sót người tài, làm thế nào để nhanh chóng nhận ra và loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn, thưa ông?

– Đây là vấn đề được quan tâm ở tất cả các kỳ đại hội. Tuy nhiên, vấn đề nhân sự càng được quan tâm hơn vì trong thời gian vừa qua có những việc, những nơi, có những vị trí lãnh đạo – kể cả vị trí lãnh đạo cấp cao – không đủ tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, làm thất thoát tài nguyên đất nước và ngân sách quốc gia, làm giảm uy tín của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Để xảy ra việc này, một phần vì bản thân những cán bộ đó không có đủ năng lực, trình độ, phần khác còn vì có người bị mắc khuyết điểm từ cấp dưới nhưng không được loại bỏ kịp thời, tiếp tục leo cao, chui sâu hơn. Hậu quả làm suy giảm uy tín của Đảng.

Những câu chuyện như vậy ở nhiệm kỳ vừa qua làm cho nhân dân quan tâm hơn, cán bộ đảng viên trông đợi nhiều hơn vào đại hội này.

Trong bài viết về công tác nhân sự vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời nhắc nhở và cũng là chỉ đạo vì công tác nhân sự quan trọng, mọi người quan tâm và bây giờ mọi người đều phải có trách nhiệm trong mỗi điều kiện, khả năng có thể.

Không chỉ cơ quan, tổ chức Đảng, đảng viên có trách nhiệm, mà từng người dân cũng cùng phát hiện, tham gia với Đảng để loại bỏ những phần tử không xứng đáng.

Quy trình các bước đã có, nhưng cần nhấn mạnh đến vai trò của hội nghị cán bộ chủ chốt. Ví dụ, một tỉnh sẽ có hàng trăm người thuộc diện cán bộ chủ chốt giới thiệu, nên không thể mua chuộc được hàng trăm người một lúc.

Mặt khác, chính những cán bộ chủ chốt ấy cũng phải có bản lĩnh, có trách nhiệm, tinh tường trong phát hiện, tự tay bỏ phiếu giới thiệu người tài đức nổi trội, không để lọt vào những người thiếu đức, kém tài. Vì khi đã lọt vào rồi thì họ lại chiếm chỗ của những người tài đức khác vì không được giới thiệu.

Đưa một người không đủ tiêu chuẩn nghĩa là lại bỏ sót một người đủ đức, đủ tài.

Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức, kém tài - Ảnh 4.

Thí sinh dự thi công chức TP.HCM tại Học viện Cán bộ TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

* Chỉ còn gần một năm nữa là đến Đại hội Đảng, việc cần tập trung làm ngay trong lựa chọn nhân sự hiện nay là gì, thưa ông?

– Trên thực tế, mỗi một nơi, quy hoạch nhân sự cho các cấp thường từ 3 người. 3 người này cũng đã được chọn lọc qua quá trình quy hoạch, đã bồi dưỡng rồi, nhưng cần xem trong thời gian quy hoạch họ có thực sự là người tỏ rõ bản lĩnh của mình trong công việc không, hay ngay từ bây giờ họ co cụm, thủ thế.

Họ có “làm mẽ”, “đánh bóng” mình không hay sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách của công việc được giao. Phải tránh tình trạng trước đại hội, họ “tròn trĩnh” để “bảo toàn” số phiếu, nhưng thực sự không giải quyết được công việc mà đáng ra họ phải làm.

Từ nay đến đại hội là một quá trình để ghi nhận, xem xét điều đó. Với những cán bộ trong quy hoạch thuộc diện Trung ương quản lý, thực ra chúng ta đã lựa chọn họ rất kỹ trong quá trình quy hoạch.

Họ cũng đã được đào tạo, bồi dưỡng rồi, vậy bây giờ nhìn nhận họ, theo dõi họ có tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân trên cương vị của mình được giao hay không, có né tránh, ngại va chạm, để mặc phó cho những cơ quan, cán bộ cấp dưới chậm xử lý hay không.

Số người sẽ được giới thiệu vào Trung ương thông thường mỗi tỉnh chỉ từ 2-3 người. Tập trung vào họ, nói đúng ra là đánh giá nhân sự 2-3 người này là chính, xem trong quan hệ gia đình, công việc, có sân sau, sân trước gì không, cái này có nhiều kênh đánh giá, giám sát.

Làm sao càng ngày càng loại được ra những người không đủ phẩm chất, năng lực hoặc nếu có nhiều người cùng đạt tiêu chuẩn thì cũng phải chọn lựa được người nổi trội nhất trong số đó, chứ không quá phụ thuộc vào chức họ đang có.

Lấy hiệu quả kinh tế – xã hội để đánh giá nhân sự Trung ương

* Theo ông, tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá cán bộ – nhất là cán bộ cấp chiến lược – làm cơ sở cho việc giới thiệu, bổ nhiệm, đề bạt là gì?

– Hãy lấy hiệu quả kinh tế – xã hội của cơ quan đơn vị, địa phương để đánh giá. Thậm chí trong trường hợp cụ thể cũng có thể còn phải so sánh giữa các cán bộ chủ chốt với nhau.

Ví dụ nếu anh làm lãnh đạo địa phương nhưng để tỉnh xảy ra tình trạng bảo kê, phá rừng triền miên, tệ nạn xã hội gia tăng, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân khó khăn, mất dân chủ, cán bộ tham nhũng… thì trách nhiệm của anh thế nào?

Quan điểm của Trung ương là lấy hiệu quả công việc, sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu.

* Năm 2020 được đánh giá là năm đặc biệt. Dù đứng trước nhiều thử thách, nhưng VN đã có những thành tựu được quốc tế ghi nhận. Có điều ngay từ trong dịch bệnh, đã lộ ra những nhức nhối như trục lợi trong mua sắm thiết bị y tế, trong đấu thầu và dự trữ gạo quốc gia. Lựa chọn nhân sự sẽ gặp thêm những thách thức gì trong bối cảnh mới?

– Tìm kẽ hở của cơ chế để trục lợi trên mọi lĩnh vực luôn có thể xảy ra nhưng quan trọng là phát hiện khuyết điểm phải kiên quyết xử lý, chỉ sợ bao che giấu giếm, lặng thinh cho qua, xã hội bức xúc mà anh không giải quyết gì cả để anh đi lên. Chống cái đó, chứ tránh sao được những việc phát sinh.

Nếu người ta không ngại va chạm, không ngại trước kỳ đại hội lại mất phiếu, mà làm mạnh, làm nhanh, đưa ra ánh sáng những tiêu cực thì phải ủng hộ.

* Ông kỳ vọng gì về lựa chọn nhân sự của đại hội sắp tới?

– Tôi tin vào sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, thận trọng, khoa học của Đảng và niềm tin của nhân dân. Khi nhân dân, cán bộ, đảng viên có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh mới.

Từ đó họ sẽ cung cấp thông tin cho Đảng, loại bỏ những kẻ cơ hội, sáng suốt lựa chọn và giúp Trung ương lựa chọn những người xứng tầm để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn đầy khó khăn nhưng cũng đầy cơ hội mới của đất nước.

Tập thể yếu kém, chẳng lẽ anh tiếp tục giữ chức, lên cao hơn?

Kinh tế – xã hội không phát triển, trật tự an toàn xã hội không đảm bảo, lòng dân không yên, thì cá nhân người đứng đầu và tập thể lãnh đạo không phải không có phần trách nhiệm?

Tập thể yếu kém, mất đoàn kết, phe nhóm có trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí có nguyên nhân từ người đứng đầu, chẳng lẽ anh có thể tiếp tục giữ chức vụ đó khóa sau, thậm chí lên cao hơn?

Với những lãnh đạo như thế bắt buộc phải thay bằng một người mới có tư duy đổi mới hơn, quyết đoán hơn, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách hơn. Trước hết, chính đông đảo đội ngũ cán bộ tại chỗ đòi hỏi cần có sự thay đổi, chứ không chỉ trông chờ sự kiểm tra, giám sát của cấp trên.

Lá phiếu của cán bộ chủ chốt, ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy là rất quan trọng. Phải phát huy vai trò của họ, phải dựa vào chính trí tuệ, trách nhiệm của họ. Trung ương và các cơ quan chức năng của Trung ương không thể làm thay được họ đâu.

Quy hoạch cán bộ cấp dưới là căn cứ cho quy hoạch cán bộ cấp trên chính là ở chỗ đó.

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan