Không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia

Không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển – Ảnh: Quochoi.vn

Chiều nay (20-4), Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Theo ông Dung, dự án luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vừa tạo điều kiện cho người lao động làm việc, có thu nhập, vừa hạn chế những tồn tại trong lĩnh vực này thời gian qua.

Theo đó, dự luật sẽ siết chặt quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn sẽ chuyển sang có thời hạn 5 năm, sau đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá hoạt động của doanh nghiệp để gia hạn.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có quy định “hậu kiểm” phù hợp.

Đối với người lao động được đưa đi làm việc tại nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh với các trường hợp vi phạm bởi nó liên quan đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

“Lao động một số nước họ có ngoại ngữ tốt, chuyên môn cao, lại nắm vững phong tục nước sở tại. Trong khi có hiện tượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đánh nhau, rượu chè, cờ bạc, ảnh hưởng đến sỹ diện quốc gia. Cần kiểm soát tốt việc này, người lao động đạt trình độ, đủ điều kiện mới cho đi chứ không đưa đi kiểu chạy theo số lượng, với bất cứ giá nào” – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ.

Lấy ngay ví dụ vừa xảy ra trong đợt dịch COVID-19, có những lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài rồi ra trình diện, sau đó Nhà nước lại phải đưa về. Ông nói: “Không thể đối xử người vi phạm như với những công dân bình thường khác. Theo tôi cần phải xử lý hành chính, ngoài phạt tiền còn cần xử lý như phạt cải tạo không giam giữ sau 14 ngày cách ly”.

Kể lại chuyện Đại sứ Nhật Bản từng đề cập đến tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại làm việc tại Nhật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình phải có quy định để kiểm soát thật tốt vì đây là vấn đề sĩ diện quốc gia. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng trao đổi với Đại sứ Nhật là “cũng cần xem lại các doanh nghiệp của các ngài” vì họ tiếp nhận lao động này.

“Tôi đề nghị cố gắng ứng dụng khoa học công nghệ để có cơ sở dữ liệu tốt, những người lao động đi nước ngoài thì chúng ta biết được ai đi ai về ai ở lại, ngành nào, thị trường nào” – bà Kim Ngân gợi ý.

Một số ý kiến đồng tình với quy định có Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, quy định việc quản lý, sử dụng, chi phí quản lý hành chính của Quỹ; mức đóng góp của doanh nghiệp, của người lao động; mức hỗ trợ các đối tượng và hoạt động của Quỹ.

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan