Thứ Ba, ngày 12/05/2020 16:00 PM (GMT+7)
Trước giờ, chưa có phán quyết nào của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lại bị dư luận phản ứng trái chiều nhiều đến như vậy.
Ở đây xin không bàn đến đúng/sai trong việc kết án tử hình Hồ Duy Hải vì khi 17 thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giơ tay biểu quyết bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, tất có lý do, người ngoài cuộc, không tiếp cận hết hồ sơ vụ án nên có thể có những điều chưa chạm đến sự thật. Ở đây, chúng tôi muốn chia sẻ về quy định pháp luật liên quan đến việc tìm ra lối thoái khả dĩ nhất cho vụ án Hồ Duy Hải.
Theo quy định tại điều 367 BLTTHS 2015, sau khi quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thầm phán TAND tối cao tuyên bác kháng nghị của Viện trưởng KSND tối cao, giữ nguyên bản án sơ thẩm, phúc thẩm, Hồ Duy Hải nhận mức án tử hình. Việc thi hành án tử hình sẽ được thực hiện vì trước đó vào năm 2011 Chủ tịch Nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải.
Tử tù Hồ Duy Hải
Để Hồ Duy Hải có cơ hội sống sót, bản thân bị án này phải làm đơn gửi Chủ tịch Nước xin ân giảm một lần nữa về mức án tử hình đối với phán quyết mới nhất của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Ngoài ra, một thủ tục được pháp luật tố tụng hình sự dự phòng trong tình huống quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó thì vẫn có thể được xem xét lại.
Theo điều 404 Bộ luật TTHS 2015, quy định về việc “Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó.
Để làm điều này, các cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng Viện KSND tối cao cần xem xét, chỉ ra phán quyết vừa rồi của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay không hay có tình tiết gì mới không.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoặc Viện trưởng Viện KSND tối cao có kiến nghị thì Hội đồng thẩm phán phải mở phiên họp xem xét yêu cầu, kiến nghị trong thời hạn 4 tháng.
Viện trưởng Viện KSND tối cao phải có mặt tại phiên họp để trình bày ý kiến về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án. Chánh án TAND tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện KSND tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự, sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định một trong bốn phương án:
– Không chấp nhận yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao, đề nghị của Chánh án TAND tối cao và giữ nguyên quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; – Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án; – Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; – Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao biểu quyết tán thành.
Trước đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã từng có văn bản kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét lại bản án đối với Hồ Duy Hải vì có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Như vậy, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần lên tiếng để bảo vệ quan điểm kiến nghị của mình.
Một vụ án chỉ có một sự thật, hoặc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đúng hoặc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đúng. Vì vậy, dư luận rất mong chờ ý kiến của Ủy ban Tư pháp quốc hội nêu chính kiến về việc này.
Để lấy lại niềm tin về công lý trong nhân dân thì các cơ quan có thẩm quyền được nêu tại điều 404 cần lên tiếng, có chính kiến về phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Nếu phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là đúng thì cần phải được bảo vệ, nếu chưa đúng thì phải yêu cầu, kiến nghị xem xét lại.
Bởi, ở đây không còn là chuyện riêng của tử tù Hồ Duy Hải nữa, mà là niềm tin vào công lý đang bị thách thức.
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/loi-ra-nao-cho-vu-an-ho-duy-hai-20200511074538767.htm
Suy đoán có tội là vi hiến và trái với nguyên tắc cơ bản của BLHS và BLTTHS nước ta.