Thứ Ba, ngày 05/05/2020 11:00 AM (GMT+7)
Theo bác sĩ, nếu phụ nữ mang thai 20 tuần đầu mắc thủy đậu có nguy cơ truyền virus zona cho thai nhi, khiến bé sinh ra đã mang mầm bệnh.
Zona là bệnh gì?
BSCKII. Lê Thị Chi Phương, BV Da liễu Hà Nội cho Vietnamnet biết, zona (hay còn gọi là zona thần kinh, dân gian gọi là giời leo) là bệnh do virus Varicella zoster gây nên và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh zona thường gặp ở những người đã từng mắc thủy đậu hoặc nhiễm virus trước đó.
Trong đó, người lớn mắc bệnh là chủ yếu, chiếm tới 90% và hay gặp ở những người có suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Zona là căn bệnh hiếm khi gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Đặc điểm của Zona là tổn thương thường bị lẻ một bên của cơ thể với những mụn nước, bọng nước mọc thành chùm, phân bố theo đường đi của dây thần kinh. Cảm giác đau tại nơi xuất hiện trước khi nổi mụn nước vài ngày.
Nhìn chung, triệu chứng của bệnh zona ở trẻ em, trẻ sơ sinh khá dễ dàng nhận biết. Cha mẹ có thể căn cứ vào một trong những dấu hiệu sau để kịp thời đưa trẻ đi khám và chữa bệnh:
– Trên mặt trẻ nổi nhiều mẩn đỏ, kèm theo đó là cảm giác ngứa rát khó chịu. Càng để lâu, mức độ ngứa càng tăng khiến trẻ gãi liên tục.
– Tình trạng bệnh kéo dài sẽ làm xuất hiện nhiều mụn nước trên cơ thể. Những nốt mụn nước thường tập trung thành vệt dài với đường kính khoảng 5mm. Khi nhấn vào mụn nước này sẽ vỡ ra và lan ra những vùng xung quanh, có thể để lại sẹo.
– Kèm theo đó là triệu chứng sốt cao trên 38 độ, sức khỏe của trẻ suy giảm rõ rệt, biếng ăn, mệt mỏi.
– Bệnh zona ở trẻ em sẽ khiến bé có cảm giác đau nhức toàn thân, mất ngủ, quấy khóc.
– Khi các mụn nước khô sẽ đóng thành vảy và bong tróc, gây nhiễm trùng máu và da. Dù chữa khỏi thì những vết thương này cũng sẽ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mắc bệnh Zona
Trả lời câu hỏi vì sao zona lại có thể gặp ở trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi, BS Lê Thị Phương Chi cho rằng, sau khi sinh ra trẻ bị nhiễm Virus Varicellla Zoster tiên phát nhưng không biểu hiện bệnh hoặc có thể mắc bệnh thủy đậu từ trong bào thai (vì trên cơ thể trẻ có sẹo từ bọng nước cũ).
Nguyên nhân trẻ mắc Zona là do mắc từ trong bệnh mẹ.
Theo đó, nếu phụ nữ mang thai 20 tuần đầu mắc thủy đậu có nguy cơ ảnh hưởng nặng và truyền virus cho thai nhi.
“Trẻ bị nhiễm virus huyết bẩm sinh từ mẹ và các virus này nằm ngủ trong các hạch thần kinh của tuỷ sống. Vì vậy trẻ đẻ ra không có biểu hiện của mắc bệnh thủy đậu nhưng lại có biểu bệnh zona ngay khi sức đề kháng suy giảm tức thời như sốt, tiêu chảy…”, BS Phương Chi giải thích.
Tác hại của bệnh Zona ở trẻ em
Thông thường, khi mắc bệnh zona, trẻ sơ sinh sẽ nổi mẩn đỏ trên mặt, có cảm giác ngứa rát và rất khó chịu, mức độ ngứa và đau tăng dần theo thời gian. Nếu để lâu da trẻ sẽ xuất hiện mụn nước, tập trung thành từng vệt dài có đường kính khoảng 3 – 5 mm, nếu đưa tay gãy hay ấn mạnh vào có thể vỡ ra và để lại sẹo. Một số trẻ còn bị sốt cao (từ 38 – 40 độ), đau nhức toàn thân, chán ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng ăn uống.
Khi mụn nước khô đóng thành vẩy nến, bong tróc ra ngoài sẽ để lại sẹo trên da, dễ gây nhiễm trùng da và máu. Nếu trẻ bị zona ở mắt hoặc vùng mặt, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm về sau này như giảm thị lực, thính lực, thẩm mỹ khuôn mặt bị ảnh hưởng, tác động đến quá trình phát triển của trẻ.
Bệnh zona thần kinh ở trẻ em có thể để lại những di chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, để lại sẹo lớn… ảnh hưởng tới sức khỏe và ngoại hình của trẻ về sau. Vì thế, bố mẹ nên chủ động phòng bệnh và đưa trẻ đến ngay bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu bệnh để được chẩn đoán cũng như điều trị chính xác và hiệu quả nhất.
Cách chữa trị và phòng tránh
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Thông thường, việc điều trị zona ở trẻ em, trẻ sơ sinh có thể thực hiện tại nhà và bằng 2 phương pháp Tây y cà Đông y.
Bác sĩ sẽ hướng điều trị thông thường sẽ là vệ sinh hàng ngày tại nơi xuất hiện Zona như bôi thuốc mỡ kháng sinh chống bội nhiễm và tránh để lại biến chứng sẹo lõm, kê thuốc kháng virus, tăng sức đề kháng và khuyến cáo gia đình cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
Theo bác sĩ đa khoa Trần Hùng – bệnh viện Quân y 103, dân gian cũng có bài thuốc nam trị bệnh Zona ở trẻ em khá hiệu quả như sau:
– Lá sung: Người bệnh lấy 1 nắm lá sung giã nát, thêm giấm ăn rồi đắp lên vị trí zona. Duy trì mỗi ngày sẽ thấy vết thương khô dần rồi khỏi hẳn.
Sử dụng rau sam chữa bệnh zona ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
– Rau sam: Lấy 1 nắm rau sam ngâm cùng muối loãng, sau đó giã nát rồi trộn cùng băng phiến, bôi lên vết thương mỗi ngày 3 lần cho đến khi khỏi hẳn.
Đáng lưu ý, bệnh zona ở trẻ em có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể của trẻ, có thể là liên sườn, đùi, gần mang tai, cổ, vai, bụng, mặt, lưng và thậm chí là hố mắt, gặp những vị trí hiểm thì sẽ gây ra khó khăn cho việc điều trị. Vì khả năng lây nhiễm và lan ra toàn bộ cơ thể của bệnh zona rất cao, do vậy những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Các bác sĩ cũng cảnh báo, gia đình nếu thấy các mụn nước mẩn lên tuyệt đối không chọc vỡ mà cần được đưa trẻ đi khám và theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nặng của bệnh như mụn nước bội nhiễm tấy đỏ, có mủ, xuất huyết và sốt cao…
Để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra hiệu quả và nhanh nhất và hạn chế các yếu tố gây bệnh cho trẻ, cha mẹ cần thực hiện những lưu ý như sau:
– Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ những loại vắc xin cần thiết để ngăn chặn virus thủy đậu xâm nhập vào cơ thể trẻ.
– Không để trẻ tiếp xúc hoặc dùng chung đồ cá nhân với người mắc bệnh zona thần kinh như: bàn chải, quần áo, khăn tắm, cốc nước….
– Khi ra ngoài, cần trang bị cho trẻ đầy đủ vật dụng che chắn như: khẩu trang, áo khoác, mũ….
– Cho trẻ uống đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
– Có thể sử dụng cho trẻ một số loại kem dưỡng da lành tính chứa nhiều vitamin E, giúp trẻ giảm bớt cảm giác ngứa và gãi gây xước da.
– Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý điều trị tại nhà.
– Cho trẻ mặc quần áo thoải mái để tránh các mụn nước bị vỡ khi cọ xát với vải.
Ngoài ra, theo BS Phương Chi, phụ nữ có thai nên tiêm phòng Vaccin thủy đậu trước khi mang thai (nếu chưa từng mắc thủy đậu hoặc đã tiêm phòng trước đó 10 năm).
Đặc biệt, phụ nữ có thai không tiêm phòng mà bị mắc bệnh thủy đậu cần được điều trị bằng kháng virus theo đúng phác đồ càng sớm càng tốt để tránh nhiễm virus cho thai nhi.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/me-bau-chu-quan-co-the-khien-con-mac-b…
Chỉ cần phát hiện trễ một chút nữa thôi, đứa bé 10 tuần tuổi sẽ mất đi 4 ngón chân của mình chỉ vì sợi tóc của…