Bà Đỗ Thị Hiền (đang phơi lúa) ở thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân có 282 nhân khẩu thì có hàng chục người dân tự nguyện làm đơn không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ sau khi dịch COVID-19 gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân.
Bà Đỗ Thị Hiền ở thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập cho biết: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo. Theo quy định, gia đình được hỗ trợ 3 triệu đồng của Chính phủ. Nhưng nhận thấy gia đình chưa đến mức khó khăn, thiếu đói; mấy sào lúa của nhà đã đến kỳ thu hoạch, đủ gạo ăn, nên tôi tự nguyện làm đơn gửi UBND xã không nhận số tiền này để nhường cho những người khó khăn hơn”.
Còn bà Đỗ Thị Gấm ở thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập cho biết gia đình bà có 5 khẩu thuộc hộ cận nghèo, đợt này được hỗ trợ 3,75 triệu đồng nhưng gia đình không nhận.
“Ngoài làm ruộng, gia đình tôi còn có nghề làm bánh lá răng bừa nên có thu nhập hằng ngày. Qua xem trên tivi, tôi thấy nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn gia đình mình nên tôi tự nguyện gửi lại số tiền của Chính phủ hỗ trợ để giúp đỡ những gia đình nghèo khó hơn mình” – bà Gấm tâm sự.
Bà Đỗ Thị Gấm ở thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ông Lê Đình Hải – chủ tịch UBND xã Xuân Lập – cho biết: “Khi xã và Bưu điện huyện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, nhiều người dân mới tự nguyện làm đơn không nhận số tiền hỗ trợ. Đến nay, xã Xuân Lập có 577 người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ đợt này, tập trung ở các gia đình hộ cận nghèo, gia đình chính sách có trợ cấp hàng tháng”.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, các xã ở huyện Thọ Xuân có nhiều người tình nguyện viết đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ là: Thuận Minh 239 người, Xuân Phong 850 người, Xuân Lập 577 người…
Trong đó phần lớn số người không nhận tiền thuộc diện hộ cận nghèo, vừa làm nông nghiệp, vừa làm nghề phụ đã có thu nhập thêm; những người thuộc gia đình chính sách. Bên cạnh đó, số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ là thành viên trong gia đình có từ 4-6 người thuộc diện được hỗ trợ.
Ví dụ gia đình có 4 người được hỗ trợ thì có 2 người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Do vậy, người nào không nhận tiền phải làm đơn để lưu.
Sau thời gian cách ly, giãn cách xã hội do dịch COVID-19, từ cuối tháng 4 đến nay, nhiều ngành kinh tế của huyện Thọ Xuân (một trong năm huyện lớn, có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh Thanh Hóa) đã phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các xã đang bước vào mùa thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên không còn hộ thiếu đói lương thực.
Sáng 12-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Thức – phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân – cho biết: “Đến nay, huyện Thọ Xuân có 2.400 người dân tự nguyện viết đơn không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, với tổng số tiền không nhận là trên 1,5 tỉ đồng.
Số tiền này đang được giữ tại tài khoản của Bưu điện huyện Thọ Xuân (đơn vị trực tiếp chi trả cho người dân). Sau đợt chi trả này, UBND huyện sẽ thống kê chi tiết số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ và tổng số tiền để hoàn trả lại ngân sách nhà nước”.
Người dân xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Giải thích về việc có nhiều xã làm sẵn mẫu “Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch COVID-19” mà không phải là đơn viết tay của người dân, ông Nguyễn Ngọc Thức cho biết: “Lúc đầu người dân tự tay viết đơn, nhưng có người do lâu ngày không cầm bút nên nội dung, nét chữ trong đơn khó đọc, khó hiểu.
Vì vậy, các xã đã thảo ra mẫu đơn chung rồi đánh máy, in trên một mặt giấy A4. Khi người dân nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nếu ai tự nguyện không nhận thì viết họ tên, địa chỉ và ký tên vào mẫu đơn này, sau đó lãnh đạo UBND xã ký xác nhận đơn rồi chuyển lên Phòng LĐTBXH huyện.
Việc xã thảo ra mẫu đơn này là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi họ tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, để người dân không thấy bị phiền toái khi giao dịch với UBND xã; đồng thời mẫu đơn cũng là tài liệu lưu của UBND xã, Phòng LĐTBXH huyện. UBND huyện Thọ Xuân khẳng định, việc người dân không nhận tiền hỗ trợ là trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc. UBND huyện, xã không vận động, khuyến khích người dân không nhận tiền hỗ trợ”.
Mẫu “Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch COVID-19” do UBND xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) soạn, in sẵn để cung cấp cho người dân điền thông tin cá nhân khi tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Được biết, huyện Thọ Xuân có 46.545 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thuộc các gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được nhận tiền của Chính phủ đợt này, với tổng số tiền được hỗ trợ là 48 tỉ đồng. Đến nay, huyện đã chi trả tiền cho hơn 95% số người được hỗ trợ.
Ngoài huyện Thọ Xuân, tại huyện Quảng Xương và một số địa phương khác của tỉnh Thanh Hóa cũng có hàng trăm người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ đợt này.