Anh Trần Văn Sơn cầm biên lai thu tiền vé của đại lý, bức xúc khi bị thu phí “chặt chém” tiền hoàn vé hãng bay hủy chuyến của khách hàng trong thời điểm dịch khó khăn – Ảnh: CÔNG TRUNG
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, anh Trần Văn Sơn (tỉnh Long An) cho biết “trần ai” khi đòi tiền hoàn vé đại lý bán vé máy bay Vaness Booking có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM).
Anh Sơn kể ngày 20-3 lên mạng và thấy thông tin phòng vé Vaness Booking đang mở bán vé bay đến Seoul của Hãng China Airlines ngày 26-3.
Sau những tư vấn về giá vé, tình trạng chuyến bay, anh Sơn đã đến đại lý mua 2 vé đi Hàn Quốc với giá 1.180 USD (khoảng 27,7 triệu đồng). Tuy nhiên, sau 2 lần hãng bay hủy chuyến, thay vì đổi tiếp ngày bay sang tháng 5, anh Sơn yêu cầu đại lý hoàn vé.
“Thay vì hoàn 100% tiền vé đã mua cho khách, sau đó đại lý trừ vừa phải 1-3 triệu đồng phí tư vấn. Tuy nhiên, đại lý này báo với tôi là phải trừ tiền phí 11 triệu đồng, tôi chỉ được nhận 16,5 triệu đồng. Họ giải thích phải thu vì đã mua vé từ đầu năm nguyên dãy seri vé. Tôi chưa thấy đại lý nào mà trừ tiền phí như “bóp cổ” khách hàng như vậy” – anh Sơn nói.
Trong các diễn đàn mạng xã hội, nhiều hành khách phản ánh tình trạng tương tự khi hãng bay hủy chuyến, tiền hoàn vé dường như im lặng, khó đòi được.
Chị Nguyễn Thị Thu Loan (quận Gò Vấp) phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online, cho biết trầy trật đòi tiền 20 triệu đồng tiền hoàn vé máy bay T’way Air khi mua qua Traveloka.
Theo chị Loan, đầu tháng 2 đến nay khi hãng bay T’way Air hủy vé đi từ TP.HCM – Hàn Quốc, hãng đã hoàn tiền 100% sau 14 ngày nhưng phía Traveloka vẫn chưa thực hiện hoàn tiền cho khách hàng.
“Tôi lên tới văn phòng của Traveloka để đòi tiền hoàn vé nhưng lúc đầu họ bảo 30 ngày, sau đó rồi hứa 90 ngày. Mãi cho đến nay, tôi chẳng biết khi nào nhận được lại tiền vé máy bay khi hãng hủy chuyến” – chị Loan nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về trường hợp của anh Sơn, đại diện China Airlines cho biết sau khi xác minh vé của hành khách, hãng đã thực hiện hoàn vé và không thu phí. Tuy nhiên, vé của khách hàng mua qua đại lý nên hãng không can thiệp.
Đại diện đại lý cấp 1 H.H.H (nơi đại lý Vaness Booking hợp tác) xác nhận với Tuổi Trẻ, hai vé của anh Sơn do hãng hủy chuyến được phép hoàn vé miễn phí và đã hoàn trả đúng số tiền vé ban đầu xuất bán cho Vaness Booking mà không thu bất kỳ khoản phí nào.
“Vì khách hàng không mua trực tiếp của chúng tôi mà mua qua Vaness Booking nên không can thiệp. Việc này tùy vào thỏa thuận ban đầu giữa khách và đại lý nơi khách mua vé giải quyết” – đại diện này nói.
Tuổi Trẻ Online liên hệ với bà Vân Bích Trâm – giám đốc Vaness Booking, vị này từ chối cung cấp thông tin về việc thu phí 11 triệu đồng cho 2 vé máy bay khi hãng bay và đại lý cấp 1 đã xác nhận hoàn 100% tiền vé.
Khi được hỏi về mức thu phí 11 triệu đồng, nhiều đại lý bán vé máy bay cấp 1 khẳng định đây là “chặt chém” khách hàng, hoàn toàn không có mức phí quá cao như vậy.
“Đúng là mua vé máy bay thời điểm dịch khó khăn khi phải canh vé, làm nhiều thủ tục trong nghề để có vé bán cho hành khách. Theo tôi, thu phí như vậy là quá cao. Thông thường, phí này đại lý thu khoảng 2-3 triệu đồng. Giữ chân khách hàng, nhiều nơi còn không thu phí tư vấn, xuất vé” – chị Trang, đại lý cấp 1 tại TP.HCM, nói.
Anh Sơn cho biết sẽ gửi đơn đến cơ quan chức năng để làm rõ cơ sở nào để đại lý này lấy phí quá cao của khách hàng trong mùa dịch.
Theo bà Phan Thị Việt Thu – chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, hành khách cần bảo vệ quyền lợi của mình khi nhận thấy sự không rõ ràng của doanh nghiệp.
“Nếu như đại lý thu phí quá cao thì nên gửi đơn kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” – bà Thu nói và cho rằng nhiều doanh nghiệp khác lợi dụng tâm lý của khách hàng cảm thấy mệt mỏi đi tới đi lui khi xảy ra kiện tụng với những khoản tiền nhỏ nên nhiều tổ chức đã lợi dụng chiếm đoạt tiền, khách hàng chịu thiệt thòi.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc hủy, hoãn chuyến bay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.