Nới lỏng thận trọng – Tuổi Trẻ Online

Nới lỏng thận trọng - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Cảnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sửa soạn đồ nghề hớt tóc chờ được cho hoạt động trở lại – Ảnh: NG.PHƯỢNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban chỉ đạo, các địa phương, nhất là TP.HCM và Hà Nội, Bộ Y tế, các bộ, ngành và toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đạt kết quả đáng mừng. 

Thủ tướng hoan nghênh TP.HCM có bộ quy tắc sắp công bố đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, trường học. 

Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt, không được để môi trường dễ lây nhiễm và sẽ sớm ban hành một chỉ thị mới về những nội dung này.

Phòng dịch, khôi phục sản xuất

Thủ tướng yêu cầu đề cao cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch”, cần “nhận thức rõ ràng, không mơ hồ” và có các biện pháp xử lý trên cơ sở năng lực y tế của đất nước và địa phương. 

Dựa trên những kết quả chống dịch đáng mừng đã đạt được trong ba tháng qua, Thủ tướng cho rằng cần chuyển sang một giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

“Yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất” – Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. 

Đồng thời “phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay”.

Nới lỏng thận trọng - Ảnh 2.

Trạng thái “bình thường mới” như thế nào?

Thủ tướng cho rằng quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như: đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn.

Duy trì khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên.

Tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người. 

Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, không được để lây lan trong cộng đồng. 

“Thực hiện nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội, khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước” – Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban chỉ đạo đề xuất. Ngoài một số khu vực như Thường Tín, Mê Linh (Hà Nội), Đồng Văn (Hà Giang) tiếp tục áp dụng nghiêm chỉ thị 16, Hà Nội, Hà Giang, TP.HCM, Bắc Ninh ở nhóm nguy cơ, các tỉnh thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp. 

Theo Bộ Quốc phòng, tính đến ngày 21-4, trong các cơ sở quân đội còn 3.767 người đang được cách ly.

Nới lỏng thận trọng - Ảnh 3.

Nhân viên một nhà hàng trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chuẩn bị hoạt động lại sau thời gian cách ly xã hội – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

TP.HCM sẽ công bố các loại hình dịch vụ được hoạt động trở lại

Chiều 22-4, TP.HCM đã tổ chức giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19. Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay TP sẽ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị 15, “tuy nhiên về phía TP sẽ có hướng dẫn nới lỏng một số điểm và có hướng dẫn cụ thể”. 

Ông Liêm nhấn mạnh tất cả người dân TP khi ra đường vẫn phải đeo khẩu trang và các địa phương không được chủ quan, lơ là.

Liên quan nội dung này, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết các dịch vụ cụ thể nào được hoạt động trở lại sẽ được công bố vào ngày 23-4 trên cơ sở tham mưu của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. 

Chẳng hạn Sở Giao thông vận tải sẽ có ý kiến về các loại hình dịch vụ hoạt động trở lại trong ngành vận tải. Sở Công thương có ý kiến về các dịch vụ kinh doanh, buôn bán được mở cửa trở lại…

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, nhưng TP cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về phát triển kinh tế. 

Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định trong điều kiện bình thường mới, TP đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế. 

Khi tình hình kiểm soát dịch bệnh có dấu hiệu tốt hơn có thể nới lỏng các giải pháp hạn chế từng bước nhưng phải thận trọng, không chủ quan, coi thường dịch bệnh.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây lan tại doanh nghiệp đã và đang áp dụng, TP.HCM tiếp tục xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh, gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới; bao gồm bộ chỉ số an toàn trong trường học; trong ngành văn hóa, thể thao; ngành giao thông vận tải; ngành công thương; ngành du lịch; lĩnh vực an toàn thực phẩm và bộ chỉ số an toàn trong lĩnh vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước ngày 30-4.

Học sinh ngồi cách nhau 1,5m: Rất khó!

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT khi học sinh đi học lại phải “đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m” được các địa phương, trường học nói rất khó thực hiện.

Ông Huỳnh Thanh Phú – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) – cho biết việc này chỉ thực hiện được nếu chỉ áp dụng cho học sinh lớp 12.

Hơn nữa, không thể lấy giáo viên dạy khối 10, 11 để thay thế vì giáo viên được phân công dạy lớp cuối cấp là cứng về chuyên môn, kinh nghiệm. Khi đó, kéo theo ngân sách để trả lương giáo viên khối 12 tăng gấp 3.

Ông Lê Đình Thuần – phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa – phân tích thêm: Theo quy định hiện hành, số lượng biên chế giáo viên giảng dạy hiện có của các trường là đều phải căn cứ theo số lớp, số lượng học sinh.

Nếu có bố trí giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết cho số lớp tăng do ngồi giãn cách thì sẽ còn liên quan đến chế độ, chính sách, ngân sách để thanh toán cho thầy cô theo quy định pháp luật đối với người lao động.

Ngoài chuyện giáo viên, ông Phạm Đăng Khoa – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk – cho rằng cơ sở vật chất không đáp ứng theo hướng dẫn này.

Việc cho nửa lớp nghỉ để luân phiên giảng dạy theo ngày chẵn lẻ cũng không khả thi vì việc dạy và học sẽ căng thẳng, nặng nề.

Ông Nguyễn Tân – giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế – cho biết cụ thể quy hoạch xây dựng trường không ai xây thừa phòng thừa lớp; cũng không thể lấy phòng thí nghiệm, phòng thực hành để kê bàn ghế vào học cho đúng an toàn cách ly. Vì thế, điều này rất khó thực hiện.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan