Buổi hội nghị giám sát thực hiện Luật phòng, chống ma túy trên địa bàn TP.HCM – Ảnh: MINH HÒA
Hội nghị trực tuyến giám sát thực hiện Luật phòng, chống ma túy trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 được tổ chức tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM ngày 12-5.
Công tác đấu tranh tội phạm ma túy còn nhiều khó khăn
Trong buổi giám sát, đại diện các quận huyện đã nêu những khó khăn cụ thể trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy như biên chế cán bộ phụ trách chuyên môn còn thiếu, nhiều địa bàn không có cảnh sát khu vực phụ trách hoặc phải kiêm nhiệm nên công tác quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn; trang thiết bị chuyên dùng được trang bị còn nghèo nàn, lạc hậu chưa theo kịp yêu cầu công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Trong khi đó, phương thức hoạt động của tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi. Nhiều loại chất gây nghiện mới xuất hiện như shisa, cỏ Mỹ, bóng cười, tem lưởi, nấm độc… nhưng hầu hết chưa có văn bản, quy định nào của pháp luật đưa các chất này vào danh mục chất ma túy cấm lưu hành… gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý các đối tượng.
Nhiều địa phương còn đề cập chuyện chồng chéo khi áp dụng luật như theo khoản 1, điều 29 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định về việc xử lý đưa người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính không có quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với nhóm độ tuổi trên, gây khó khăn trong việc xử lý trường hợp trên địa bàn có người dưới 18 tuổi nghiện ma túy.
Từ đó, các địa phương đề xuất đoàn đại biểu Quốc hội sớm có ý kiến, góp ý để sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắt phát sinh trong thực tiễn; thống nhất với các quy định liên quan.
Trường hợp phát hiện đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy cần đưa vào cơ sở cai nghiện để cắt cơn, điều trị ngay trong thời gian lập hồ sơ. Đối với người nghiện bị “ngáo đá” cần xem xét có hình thức xử lý phù hợp để răn đe.
Đối tượng sử dụng ma túy đa dạng
Ông Tăng Hữu Phong, trưởng Ban văn hóa xã hội – Hội đồng nhân dân TP.HCM, phát biểu – Ảnh: MINH HÒA
Cho biết TP.HCM đang tập trung đánh mạnh để ngăn chặn các nguồn cung cấp ma túy vào TP, đại tá Đinh Thanh Nhàn – phó giám đốc Công an TP.HCM – cho rằng hiện chưa có mô hình cai nghiện nào hiệu quả hơn mô hình cai nghiện bắt buộc, tập trung. Vấn đề cần phải quản lý chặt chẽ người sau cai nghiện, tạo công ăn việc làm cho họ.
Ông Nhàn cho biết sau khi Trung Quốc đánh mạnh vào tội phạm ma túy, các đối tượng đã tập trung về khu vực vùng Đông Nam Á và Tam giác vàng. Bộ Công an đã tham mưu tổ chức các hội nghị liên quan đến ma túy giữa các nước và các tổ chức quốc tế vào năm 2019 nhằm phối hợp tốt hơn phòng chống ma túy.
Để đảm bảo công tác phòng chống ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường hàng không và từ Việt Nam ra các nước khác, ông Nhàn cho rằng Nhà nước cần đầu tư hệ thống, thiết bị hiện đại, chuyên dùng, ví dụ như soi chiếu container.
Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Bình Thuận – phó giám đốc Sở tư pháp TP.HCM – đặt vấn đề cần có cơ chế để cơ quan chức năng chủ động trong việc phát hiện người nước ngoài thuê các chung cư cao cấp để tàng trữ, thậm chí sản xuất ma túy.
Trước ý kiến và kiến nghị từ các địa phương, ông Tăng Hữu Phong, trưởng Ban văn hóa xã hội – Hội đồng nhân dân TP.HCM, nhận định vấn đề ma túy giai đoạn giai đoạn 2016-2019 diễn biến phức tạp, từ quy mô đến các loại hình đều có thay đổi.
Nếu trước đây ma túy được nhập vào Việt Nam thì hiện đã có sản xuất, cung cấp trong nước. Đối tượng sử dụng ma túy cũng đa dạng hơn, thậm chí có giới trí thức, sinh viên, học sinh…
Từ đó, ông Phong thống nhất ý kiến về việc xem xét, rà soát sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và Luật xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản liên quan để đồng bộ, thống nhất hơn.