Sẵn sàng kích hoạt 3 kịch bản để gỡ khó cho quả vải

Thứ Sáu, ngày 08/05/2020 08:02 AM (GMT+7)

Hàng trăm ha vải được cấp mã vùng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có nguy cơ gặp khó khăn trước tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết đã đưa ra 3 kịch bản và sẵn sàng ‘kích hoạt’ để triển khai



Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), đến nay Bắc Giang có 103 ha với 19 mã vùng vải được trồng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp (Lục Ngạn), Phúc Hòa (Tân Yên); với 107 hộ dân tham gia.

Riêng huyện Lục Ngạn, năm nay duy trì 15.290 nghìn ha vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000 ha, vải thiều chính vụ khoảng 13.290 ha. Dự báo sản lượng vải thiều đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải sớm khoảng 18.000 – 20.000 tấn, vải chính vụ khoảng 65.000 tấn. Diện tích vải sản xuất theo quy trình VietGap là 11.000 ha, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 100 ha.

Năm nay, Lục Ngạn tiếp tục duy trì diện tích vải thiều được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã vườn cho 394 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU với diện tích hơn 217,8 ha. Phía Trung Quốc đã cấp 36 mã vườn trồng vải thiều tại các xã, thị trấn sản xuất đúng quy trình, đủ điều kiện sản xuất vải thiều tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Vải thiều lần đầu xuất sang Nhật: Sẵn sàng kích hoạt 3 kịch bản để gỡ khó cho quả vải - 1

Trong trường hợp khó khăn nhất, nếu không xuất khẩu được vải thiều trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thì vải thiều sẽ tập trung tiêu thụ trong nước

Ngoài ra, UBND huyện cũng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 18 số cho 99 hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với diện tích 98 ha, dự kiến sản lượng đạt hơn 900 nghìn tấn. Đến thời điểm hiện tại, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký mã vườn trồng gồm: Công ty A.meii 03 mã, diện tích 15 ha; Công ty Chánh Thu 04 mã, diện tích 15 ha; Công ty xuất nhập khẩu Toàn Cầu 01 mã, diện tích 15 ha…

Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, UBND huyện Lục Ngạn cho biết đã xây dựng 3 phương án hỗ trợ người dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều gồm: Phương án 1 là khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới; Phương án 2 là tình hình dịch bệnh có chiều hướng giảm nhưng chưa hết dịch; Và phương án 3 là dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường.

Cả 3 phương án trên đều bảo đảm cho người dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Trong tình huống dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, huyện chú trọng khai thác thị trường nội địa, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị lớn, sấy khô, bảo quản lạnh, ép nước… Cùng đó xây dựng phương án đón, phòng dịch đối với thương nhân người nước ngoài đến huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải thiều.

Trao đổi với báo chí về công tác chăm sóc, xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2020 trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, trước bối cảnh chung của cả nước về tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ lường trước những khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, “Bắc Giang đã đưa ra 3 kịch bản, kịch bản thứ nhất được cho là thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang tất cả các thị trường, cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ 2, chúng tôi thấy có chút khó khăn hơn nhưng vẫn sẽ xuất khẩu được. Nhưng kịch bản thứ 3, khó khăn nhất, đó là không xuất khẩu được vải thiều trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thì vải thiều sẽ tập trung tiêu thụ trong nước.

Đó là 3 kịch bản chúng tôi rất coi trọng và đưa ra phương án để chủ động triển khai. Chúng tôi sẵn sàng kích hoạt cả 3 kịch bản này để làm sao chủ động tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất vải thiều tiêu thụ được sản phẩm. Chúng tôi luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh”, ông Thái nói.

Ông Thái cũng nhấn mạnh thêm rằng, trong trường hợp phải áp dụng kịch bản thứ 3 là khi xuất khẩu khó khăn thì thị trường trong nước sẽ vẫn là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Nếu tất cả chúng ta khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải thiều của Bắc Giang sẽ không đáng kể gì.

Còn tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), hiện Thanh Hà có 5 mã vùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng số 280 tấn. Trong đó, xã Thanh Thủy có 3 mã, các xã Thanh Xá, Thanh Sơn mỗi nơi 1 mã. Hơn 80 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong huyện đã được tập huấn để tư vấn cho người trồng vải sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Chi cục BVTV tỉnh thường xuyên cử cán bộ kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV ở các vùng này để bảo đảm chất lượng quả vải trước khi đưa sang Nhật Bản.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Sở Công thương tỉnh Bắc Giang thông tin về việc xuất khẩu vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo đó, ngày 20/4, Bộ Công Thương nhận được công hàm của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.

Hiện lãnh đạo Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với MAFF để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam vào Nhật Bản phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN về Sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đề nghị các Sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan của cả hai nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/go-kho-cho-vai-thieu-lan-dau-tien-xuat-khau-sang-nhat-6…

Nguy cơ lỡ hẹn xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản

Bộ Công Thương cho biết đã nhận được công hàm của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản thông báo không…

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan