Đông đảo người dân và học sinh đến tìm hiểu tư liệu về biển đảo tại Nhà trưng bày Hoàng Sa – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
“Cột mốc chủ quyền” ấy giờ đây đang chờ thêm những “viên đá” đóng góp từ mọi nguồn để xây nên Thư viện Hoàng Sa.
“Bên cạnh cuộc đấu tranh dài lâu để khẳng định chủ quyền của nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì việc góp nhặt những đóng góp hiện vật, tư liệu cũng cần được duy trì” – ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, nói với Tuổi Trẻ.
Bồi đắp nền tảng cơ sở pháp lý
* Thưa ông, so với lần hiến tặng trước, chúng ta kỳ vọng thêm những gì ở lần vận động này?
– Tháng 7-2016 UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Thật bất ngờ là ngay trong buổi chiều phát động ấy, những người đầu tiên đã hiến tặng hiện vật đến từ mọi tầng lớp và khắp nơi trên cả nước cũng như kiều bào ta đã mang đến những hiện vật vô cùng quý giá về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam không những với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà còn là những hiểu biết thêm về Biển Đông, đại dương.
Những đóng góp kéo dài gần một năm từ chương trình ấy, phần “ruột” của Nhà trưng bày Hoàng Sa đã được hình thành, để rồi đến nay nơi đây ngoài vai trò minh chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn trở thành điểm đến du lịch thu hút khách tới với thành phố.
Thực tế cho thấy nguồn tư liệu, bằng chứng còn cần được bổ sung rất nhiều, bản thân những người làm công tác chính quyền ở huyện Hoàng Sa như chúng tôi cũng muốn dòng chảy tư liệu hiện vật được thu thập liên tục và mới mẻ. Từ đó hình thành nên Thư viện Hoàng Sa, một hệ thống tư liệu đầy đủ phục vụ nhiều mục đích.
* Nghĩa là chúng ta có nhiều mong muốn hơn việc coi đây là một thư viện – nơi lưu giữ tài liệu, thông tin – về Hoàng Sa?
– Đương nhiên ngoài chức năng là một nơi lưu giữ thông tin như bao thư viện thông thường, Thư viện Hoàng Sa sẽ mang sứ mệnh và nhiều ý nghĩa lớn lao.
Trước hết nơi đây sẽ trở thành một thiết chế văn hóa để người dân tiếp cận một cách có hệ thống với những tư liệu về chủ quyền của nước ta với hai quần đảo. Khi kêu gọi người dân đóng góp tư liệu, tôi mong nơi đây có thêm những bằng chứng mới khẳng định sâu sắc niềm tin trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của nước ta ở hai quần đảo.
Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc đang có những động thái gia tăng căng thẳng vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước ta ở Biển Đông. Họ vừa ban hành quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” gồm khu Tây Sa và Nam Sa mà thực chất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta bao đời nay.
Chúng ta là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đã có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sự đóng góp đối với thư viện là sự bồi đắp thêm để nền tảng cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn nữa. Càng có thêm sự đóng góp cả về vật chất, tinh thần, tư liệu, hiện vật… thì các bộ sưu tập tại Nhà trưng bày Hoàng Sa nói chung và phát triển Thư viện Hoàng Sa càng có thêm những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của nước ta với hai quần đảo. Lúc đó công cuộc bảo vệ chủ quyền càng có lợi.
Như vậy có hai mục tiêu cơ bản là trở thành nơi cung cấp tri thức và hun đúc ngọn lửa đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong nhân dân.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tham gia một buổi lễ kết nạp hội viên CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” tại Nhà trưng bày Hoàng Sa – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ray rứt với Hoàng Sa
* Qua hơn ba tháng phát động, đến nay đã có thêm những tư liệu nào cho Thư viện Hoàng Sa, thưa ông?
– Có rất nhiều tư liệu quý trước đây phân tán theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương vừa qua người dân và các tổ chức đã mang đến hiến tặng. Chúng tôi đang tổ chức thu thập và hệ thống hóa lại để sắp xếp, phục vụ mai này khi có thư viện.
Có thể kể đến như 19 châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong đó có một châu bản lần đầu tiên công bố là Bản tấu của Bộ Hộ ngày 22-12 Tự Đức 22 (1869) về việc tỉnh thần Quảng Nam tư trình căn cứ lời bẩm của tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư trích tiền gạo cấp phát cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh trên một chiếc thuyền sam bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam).
Với tư liệu quý này, chúng tôi đang lên kế hoạch hình thành không gian trưng bày chuyên đề.
Hay như một tấm bản đồ cổ do nhà bác học uyên bác của nước Nga vẽ về Trung Quốc hồi thế kỷ 17 trong đó cực nam của nước này tới đảo Hải Nam, hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa. Nó được mua lại bản số hóa của Thư viện Lênin và được trao tặng bằng cả tấm lòng và trách nhiệm.
Có rất nhiều tư liệu quý giá mà tôi nghĩ nó vượt lên cả ý nghĩa hiện vật. Đó là tấm lòng của những người con yêu nước, có trách nhiệm với quê hương, những người ray rứt với Hoàng Sa.
* Ngoài việc ủng hộ về vật chất, tinh thần, mọi người còn có thể đóng góp gì thêm cho Hoàng Sa nữa, thưa ông?
– Chúng tôi còn nhớ có những người mong muốn đóng góp cho Hoàng Sa đến mức bỏ tài sản lớn, thời gian và công sức đi hàng ngàn cây số để lục tìm hiện vật, tư liệu.
Nhưng chúng tôi xác định bản thân chính quyền cũng phải chủ động tham gia tìm kiếm chứ không chỉ kêu gọi. Nhà nước cũng có cơ chế cho phép mua những tư liệu quý, nhất là để phục vụ công tác đấu tranh khẳng định, bảo vệ chủ quyền. Do vậy bên cạnh trông chờ được sự ủng hộ về tài liệu hiện vật, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh phí với chủ sở hữu hiện vật quý.
UBND huyện Hoàng Sa và báo Tuổi Trẻ cùng chung tay phát động xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa làm nơi tiếp nhận, lưu giữ những tư liệu về Hoàng Sa và biển đảo Việt Nam. Mọi sự đóng góp xin gởi về Nhà trưng bày Hoàng Sa (ngã ba đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) hoặc báo Tuổi Trẻ tại địa chỉ 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng như các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước.
* Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân:
Nên số hóa tư liệu
Đối với tư liệu cổ trong nước, Thư viện Hoàng Sa cần kêu gọi Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Sử học (đều thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), Thư viện quốc gia, Cục Lưu trữ… nhanh chóng làm phó bản và số hóa tất cả tư liệu quan trọng có liên quan đến Biển Đông để phục vụ nghiên cứu rộng rãi. Thư viện lớn phía Nam như ở TP.HCM cũng nên nhân tiện phối hợp với Đà Nẵng để thúc đẩy công việc này nhằm tạo thuận lợi cho học giới Nam Bộ.
Thư viện Hoàng Sa Đà Nẵng nếu đi theo hướng phục vụ nghiên cứu thì nên số hóa tư liệu, thiết lập thư viện điện tử hiện đại, lập thư mục tra cứu nhanh.
* Thạc sĩ Võ Hà (Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng):
Nơi nuôi dưỡng ý chí giành lại Hoàng Sa
Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện không chỉ là điểm nhấn chủ quyền của nước ta với hai quần đảo, mà còn là điểm đến du lịch của TP Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Sở dĩ tôi nói vậy bởi vì từ năm 2011 khi bắt đầu tiếp cận các tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam để phục vụ đề tài quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 – 1975), tôi thấy một thực tế là mặc dù trước đó đã có nhiều nhà nghiên cứu về chủ đề này nhưng mới tiếp cận theo bộ phận, chưa theo một cấu trúc, một hệ thống bài bản, tài liệu tản mát ở nhiều nơi (cả trong nước và ngoài nước), cả trong cơ quan lưu trữ và trong nhân dân. Đồng thời, đây là chủ đề nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn rất cao – có thể nói là một đối tượng nghiên cứu đặc biệt và cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, tôi được biết cho đến nay, việc tập hợp tài liệu (sách, báo, bản đồ, hình ảnh…), xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thư mục về Hoàng Sa (và Trường Sa) vẫn còn phân tán ở nhiều cơ quan nghiên cứu, đơn vị, địa phương khác nhau.
Bởi vậy, việc UBND huyện Hoàng Sa phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa là một bước đi và cách làm có ý nghĩa.
Do vậy, một lần nữa, tôi mong muốn Thư viện Hoàng Sa sớm trở thành hiện thực, là nơi vừa cung cấp lưu giữ tài liệu Hoàng Sa vừa là nơi nuôi dưỡng ý chí giành lại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
H.K. ghi
* Chị Trương Kim Sang (bí thư Đoàn phường 8, quận 4, TP.HCM):
Người trẻ cần thông tin thuyết phục và tin cậy
Với thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, mọi người hầu hết đều dùng công nghệ để nắm bắt thông tin, cập nhật nhanh hơn nhưng phải là những nguồn tin đáng tin cậy và thuyết phục. Để nâng cao tinh thần yêu nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, cũng như truyền tải đến mọi người về những tư liệu, hình ảnh và các thông tin chính thống, tôi nghĩ việc xây dựng Thư viện Hoàng Sa là rất cần thiết.
Ngoài ra cũng cần có trang thông tin là nơi tập hợp đầy đủ các tư liệu, hình ảnh và các bài viết, bài báo nhanh và chính xác nhằm lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là những người trẻ, về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, có những hành động bảo vệ hướng về biển đảo quê hương.
L.Đ. – K.A. ghi