Thủ tướng ban hành chỉ thị 19 về nới lỏng giãn cách xã hội – Ảnh: CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Sau 3 tuần thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, tiếp tục kiểm soát, hạn chế tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng, điều trị khỏi đa số người mắc và chưa có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát vẫn ở mức cao, ảnh hưởng xấu đến kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân.
Do đó, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội, Thủ tướng ban hành chỉ thị mới và yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm “chống dịch như chống giặc”.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.
Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan;
Chỉ thị mới cũng cho phép được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn.
Các biện pháp được quán triệt chỉ đạo nêu ra trong chỉ thị gồm:
– Người dân thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người. Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện đông người.
– Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, matxa, quán bar, vũ trường…). Chủ tịch UBND quyết định với các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.
– Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn…), khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
– Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn. Vận chuyển hành khách bằng đường hàng không áp dụng các biện pháp phù hợp.
– Với trường học, giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.
– Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho công nhân, người lao động. Các cơ quan, đơn vị khi làm việc thì người đứng đầu chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, không để đình trệ công việc.
Yêu cầu riêng với từng nhóm nguy cơ
Cũng trong chỉ thị 19, Thủ tướng xem xét, quyết định mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với từng tỉnh, thành phố.
địa phương, địa bàn có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ thị 16 về cách ly xã hội; các địa phương có nguy cơ vẫn phải khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không có biện pháp phòng chống dịch; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng.
Địa phương có nguy cơ thấp tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng.
Kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm, xác định các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
Phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải.
Thực hiện nghiêm việc hạn chế nhập cảnh; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, tổ chức cách ly. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, làm việc, học tập trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công.