Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải sang) đi khảo sát vùng nuôi cá tra công nghệ cao tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú, An Giang – Ảnh: BỬU ĐẤU
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Đình Luân – tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường trọng điểm giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 48% so với cùng kỳ; sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 47,3% và sang Mỹ giảm 19,8% so với cùng kỳ. Việc xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó mà còn làm cá nguyên liệu trong nước rớt giá thảm hại và hiện chỉ còn 18.500-19.000 đồng/kg.
Theo bà Tô Tường Lan – Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề đối với ngành cá tra Việt Nam, cả về sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Những đơn hàng xuất khẩu đã ký của doanh nghiệp, có đến 20-40% bị đối tác hoãn hoặc hủy, chủ yếu từ EU và Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trần Anh Thư – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho hay thủy sản là mặt hàng hàng đầu của tỉnh và được quan tâm đặc biệt. Toàn tỉnh có 1.230ha, tập trung ở các khu liên kết, sản xuất công nghệ cao.
“Sắp tới tỉnh sẽ vận động hộ dân nuôi cá dưới 7.000m2 chuyển sang nuôi các loại cá khác. Vì hiện nay giá cá tra xuống thấp nên các doanh nghiệp chỉ ưu tiên ‘bắt cá của mình’ hoặc cá đã liên kết. Vì vậy, nông dân tự nuôi cá đang đối mặt với nhiều khó khăn như cá quá lứa, nợ không trả được, cá không bán được. Vấn đề nữa là hiện nay một số hộ dân thích con giống giá rẻ dẫn đến hao hụt và chi phí tăng lên”, ông Thư nói.
Vùng nuôi cá tra Nam Việt hơn 600ha được thực hiện cho ăn tự động thông qua hệ thống máy tính, không cần công nhân – Ảnh: BỬU ĐẤU
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng sản phẩm từ con cá tra làm ra vẫn còn rẻ, nhiều doanh nghiệp và người dân giàu có nhờ cá nhưng cũng có nhiều người nghèo khó vì con cá.
Theo ông Cường, nguyên nhân chính là do sản xuất chuỗi gia trị từ nguyên liệu đến chế biến và thị trường chưa chặt chẽ. Biểu hiện rõ ràng là sự tuân thủ không nghiêm ngặt để xảy ra việc đào ao tự phát đã phá vỡ quy hoạch. Giống là khâu quan trọng nhất nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, tổ chức thị trường nước ngoài và thị trường nội địa còn yếu.
“Sắp tới ngoài việc tập trung các thị trường mới thì các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp phải hướng vào thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân. Nếu chúng ta làm tốt thị trường trong nước từ 10-20% thì chúng ta sẽ giảm áp lực xuất khẩu.
Sắp tới đây, bằng mọi giá không được mở rộng diện tích nuôi nữa và phải làm bằng được con giống 3 cấp cung ứng cho cả khu vực ĐBSCL”, ông Cường nói.