TP.HCM: Cao ốc quá nhiều, giao thông ‘chạy’ theo không kịp

TP.HCM: Cao ốc quá nhiều, giao thông chạy theo không kịp - Ảnh 1.

Đoàn ĐBQH TP.HCM có buổi giám sát thực hiện Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2019 – Ảnh: THU DUNG

Tại buổi giám sát ngày 12-5, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP chất vấn về bất cập trong quá trình triển khai Luật Giao thông đường bộ tại TP.HCM thời gian qua. 

Nhiều đại biểu khẳng định người dân ở nhiều quận, huyện liên tục phản ánh về vấn đề này. Ở một số khu vực như quận Phú Nhuận, quận Tân Phú… cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, nhưng hạ tầng giao thông lại chậm phát triển. Với tốc độ phát triển như vậy sẽ không kịp đáp ứng quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

TP.HCM: Cao ốc quá nhiều, giao thông chạy theo không kịp - Ảnh 2.

Các công trình cao ốc được xây dựng, hạ tầng giao thông phải đồng bộ kịp thời – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng hiện tỉ lệ tai nạn giao thông tại TP.HCM vẫn còn cao, đặc biệt sau những ngày giãn cách xã hội, người dân có tâm lý chủ quan, không chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ.

Ngoài ra, TP.HCM phải đối mặt với nạn ùn tắc, mà một trong những nguyên nhân là tình trạng cao tốc mới mọc lên khắp nơi, trong khi hạ tầng giao thông lại chưa được đồng bộ. 

Có thể thấy, ở những tuyến đường có nhiều nhà cao ốc, trường học… rất đông xe. Vào giờ tan học, tan tầm, người dân đổ dồn vào những nơi này khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. 

“Việc xây dựng các tòa nhà cao ốc căn cứ vào qui hoạch chung. Tuy nhiên, trước khi xây dựng các đơn vị cần tính toán, đồng bộ các yếu tố giao thông, môi trường… để đảm bảo hạ tầng giao thông không bị quá tải, đủ đáp ứng”, bà Yến nói. 

Trao đổi về thực trạng giao thông quanh nhà cao tầng, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải – cho biết khi tiếp nhận hồ sơ lấy ý kiến chuyên ngành giao thông đối với các công trình xây dựng trong giai đoạn trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án, Sở GTVT căn cứ vào tính chất, qui mô dự án đưa ra đánh giá tác động giao thông. 

Từ đó, có thể kiểm tra được khả năng đáp ứng của giao thông trên các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi dự án ở hiện tại và tương lai. Sau đó, Sở có giải pháp giảm tác động tiêu cực của dự án đến giao thông công cộng.

Thế nhưng, đến nay, các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng kết nối vào hạ tầng đường bộ dẫn đến việc triển khai gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, chi phí thực hiện…

Ngoài ra, một số dự án đã được chấp thuận đầu tư, phê duyệt qui hoạch xây dựng tỉ lệ 1/500 nên kết quả của đánh giá tác động giao thông chỉ có thể đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến giao thông, chứ chưa xét đến cốt lõi của vấn đề là sự phù hợp của việc xây dựng công trình trong giai đoạn hiện nay hay không.

Trước thực tế này, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có hướng dẫn đánh giá tác động giao thông đối với công trình xây dựng kết nối vào hạ tầng đường bộ tại TP.HCM để các đơn vị triển khai hiệu quả hơn. 

Tại buổi giám sát, phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết khẳng định các đơn vị ở TP.HCM cũng đã cố gắng thực hiện tốt Luật giao thông đường bộ. Dù vậy, TP cũng  gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế; một số vấn đề cần kịp thời nghiên cứu, bổ sung. 

Bà Tuyết đề nghị trong quy hoạch TP ở những khu qui hoạch có dân cư, tòa nhà… khi phát triển công trình thì phải có hạ tầng giao thông đáp ứng trước. 

Sau buổi giám sát này, Đoàn đại biểu sẽ có báo cáo giám sát, trong đó kiến nghị các vấn đề liên quan Luật Giao thông đường bộ, trong đó kiến nghị việc điều chỉnh thẩm quyền, nghiên cứu ủy quyền TP một số nhiệm vụ ở lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư phát triển, các công trình trọng điểm cần vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Việc kiểm định khí thải xe mô tô, xe máy, qui trình xử phạt vi phạm giao thông bằng hình thức phạt nguội…cũng cần sớm được hoàn thiện. 

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan