Một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR – Ảnh: D.L.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia về chính sách công cho rằng đó là biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức công vụ, lòng tham của nhiều cán bộ đã lấn át nỗi sợ. Vì tư lợi cá nhân, không ít cán bộ đã bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích.
Khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình… mới nháo nhào tiến hành việc giảm giá mua hoặc ra thông báo chỉ mượn máy xét nghiệm COVID-19 từ doanh nghiệp. Điều đó cho thấy có quá nhiều sự bất thường trong một số cơ quan nhà nước tại những địa phương trên.
* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Đạo đức công vụ xuống cấp nghiêm trọng
Ông Nguyễn Quang Đồng
Cuộc chiến chống tham nhũng ở trung ương dưới sự điều hành của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực. Các nhóm lợi ích đã “chùn” tay, nhưng ở địa phương, ở cấp thừa hành bên dưới chưa có nhiều chuyển biến khi tham nhũng vặt còn nhiều, các biểu hiện chung chi trong đấu thầu khu vực công còn phổ biến.
Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới hành vi tham nhũng của cán bộ, đó là tính nghiêm minh của luật pháp và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Nhiều cán bộ dù lương không cao nhưng xây biệt phủ, bất chấp dư luận, họ không thấy xấu hổ. Điều đó cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức công vụ. Thời phong kiến, liêm chính được đề cao để kìm hãm tham nhũng, nhưng đến nay rất nhiều quan chức không giữ được đạo đức công vụ.
Trong hoạt động mua sắm công, đấu thầu công khai vẫn là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn các hành vi móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi của các cá nhân khi dùng tiền ngân sách. Hoạt động đấu thầu công khai sẽ hạn chế được “sân sau” của các quan chức. Bởi đang có tâm lý chung là ai được quyền tự quyết cũng có thể phát sinh động cơ cá nhân.
Vì vậy, cần truy trách nhiệm hình sự đơn vị thẩm định giá thiết bị khi lập dự án gói thầu mua máy xét nghiệm dịch bệnh. Bởi nếu đơn vị này không tiếp tay thì các bên liên quan khó có thể móc ngoặc để thực hiện hành vi tham nhũng dễ dàng như thời gian qua.
Có thể nói các vụ án liên quan tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua mới thực hiện được mục tiêu loại bỏ quan tham, cán bộ tham nhũng ra khỏi bộ máy nhưng chưa thực hiện tốt việc cải cách thể chế để ngăn chặn tham nhũng từ xa.
Ví dụ chuyện mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0h đêm hay đề xuất các điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế thời gian qua có thể là dấu hiệu của hành vi tham nhũng chính sách. Điều ghi nhận là Chính phủ đã kịp thời vào cuộc chấn chỉnh để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
* Luật sư Trần Hữu Huỳnh (chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế – VIAC):
Để quan chức không thể tham nhũng
Luật sư Trần Hữu Huỳnh
Sự chênh lệch giá mua máy Realtime PCR phục vụ xét nghiệm COVID-19 cho thấy thị trường mua sắm công chưa thật sự minh bạch. Bởi với công nghệ hiện nay, các địa phương hoàn toàn có thể tra cứu được giá bán máy trên thị trường. Hơn nữa, nó cho thấy kỷ luật mua sắm công, tính răn đe của hệ thống chưa tốt. “Bôi trơn” trong hoạt động mua sắm công khá phổ biến, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể ngăn chặn loại tham nhũng này.
Tôi cho rằng tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra ở hầu như mọi cấp. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) thực hiện những năm qua cho thấy khá rõ điều này. Sau 15 năm VCCI thực hiện khảo sát, điều tra (năm 2019) vẫn có 55% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải bỏ chi phí “bôi trơn” và đồng ý rằng phải “bôi trơn” thì công việc mới trôi chảy được.
Tỉ lệ doanh nghiệp phải “bôi trơn” khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh giảm rất chậm. Sau 15 năm thực hiện khảo sát điều tra, tỉ lệ doanh nghiệp phải “bôi trơn” khi thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh chỉ giảm từ 63% xuống 55%. Nó cho thấy chi phí “bôi trơn” hay tham nhũng vặt vẫn khá nhức nhối.
Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ hiệu quả khi đạt được 4 chữ: không muốn, không cần, không dám, không thể. Cụ thể, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đủ mạnh, không có kẽ hở để quan chức không thể tham nhũng. Điều này chúng ta chưa đạt được khi có quá nhiều điều kiện kinh doanh, quy định pháp luật còn mù mờ, chưa minh bạch, dễ dẫn tới xin cho.
Quan chức sẽ không dám tham nhũng khi chế tài với tham nhũng nghiêm ngặt. Hiện nay quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng ngày càng nghiêm hơn nhưng thực thi hiệu quả thấp nên chưa ngăn chặn được hành vi tham nhũng của quan chức. Bối cảnh hiện nay cũng chưa khuyến khích cán bộ, công chức không cần và không muốn tham nhũng vì lương bổng thấp, bộ máy cồng kềnh.
* Ông Phan Đức Hiếu (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM):
Tù mù thông tin mua sắm dẫn tới trục lợi
Từ các vụ việc bỏ tiền ngân sách để mua sắm đắt gấp nhiều lần so với giá trên thị trường cho thấy sự thiếu minh bạch thông tin trên thị trường mua sắm công, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm vật tư, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Dường như các địa phương khi đi mua máy xét nghiệm COVID-19 không có thông tin dữ liệu đủ trước khi thực hiện mua sắm.
Dùng tiền ngân sách mua thiết bị nhưng mỗi nơi mua một giá là rất có vấn đề. Đáng ra hệ thống mua sắm công, hệ thống đấu thầu quốc gia phải giúp địa phương dễ dàng tìm kiếm thông tin sản phẩm, nhà cung cấp khi họ có nhu cầu mua sắm. Có như vậy mới mong hạn chế được sự mù mờ, bất cập, nảy sinh tham nhũng trong mua sắm công.
* Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI):
Trừng phạt nặng quan chức tham nhũng
Để ngăn chặn tiêu cực, trục lợi, tham nhũng trong hoạt động mua sắm công, trước hết cần nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức tham gia hoạt động mua sắm chính phủ. Kế đến, cần nâng cao tính minh bạch của pháp luật về đấu thầu. Cuối cùng là tăng cường các biện pháp chế tài, xử phạt hành vi tham nhũng, trục lợi trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công.
Cần bổ sung các chế tài kỷ luật về mặt Đảng, kỷ luật về mặt chính quyền trong Luật phòng chống tham nhũng để tăng tính răn đe, hành động trừng phạt với các quan chức có hành vi tham nhũng, trục lợi trong hoạt động đấu thầu.
Điều đáng tiếc, hiện nay các quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư, kinh doanh còn chồng chéo, có những điểm mờ, cơ chế xin cho vẫn phổ biến. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trong đó có tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Những kẽ hở trong hoạt động đấu thầu hiện nay cần sớm được ngăn chặn. Cần xây dựng một quy trình đấu thầu, chỉ định thầu thực sự minh bạch; hoạt động mua sắm của Chính phủ, các địa phương phải dần thực hiện theo cơ chế thị trường.
Xây dựng được một thể chế minh bạch với những quy định pháp luật rõ ràng, dễ thực thi, đặt dưới sự giám sát của người dân, cộng đồng, và quy định rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước sẽ là biện pháp để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ xa. Chính những xung đột pháp luật, những “vùng trắng” trong hệ thống pháp luật đang làm phát sinh tham nhũng.
Vụ việc nâng khống giá thiết bị xét nghiệm COVID-19 ở nhiều địa phương là một biểu hiện tham nhũng, trục lợi trong mua sắm công. Bối cảnh dịch bệnh các địa phương lựa chọn chỉ định thầu để rút ngắn thời gian mua sắm là cần thiết. Điều đáng tiếc là các cán bộ thực thi mua sắm thiết bị chống dịch lại không giữ được đạo đức công vụ.
Ngoài ra, dù các địa phương thực hiện chỉ định thầu mua máy xét nghiệm nhưng vẫn có tư vấn thẩm định giá trước khi lập dự toán, xác định gói thầu mua sắm thiết bị. Việc đẩy giá mua máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 gấp nhiều lần giá trên thị trường cho thấy sự thiếu trách nhiệm của sở y tế, CDC các địa phương khi mua máy.