Tuyến xe buýt đảm bảo an toàn cho khách không chở quá 20 người (ảnh chụp sáng 4-5) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
8h sáng, bến xe buýt tại công viên 23-9 đã trở lại không khí nhộn nhịp, tấp nập những chuyến xe buýt ra vào đón trả khách. Tài xế, tiếp viên xe buýt tất bật lau dọn, nổ máy xe để chuẩn bị chở khách sau chuỗi ngày dài nghỉ dịch.
Ít khách vẫn vui
Gần đó, ở những dãy nhà chờ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những hành khách, cụ bà bán vé số, học sinh ngồi đợi chờ những chuyến xe đi qua như thường lệ. Tất cả cùng chung suy nghĩ xe buýt hoạt động lại, ai cũng có công việc để làm. Hành khách, người lao động có phương tiện công cộng đi lại thuận lợi, tiếp tục cuộc mưu sinh.
Trên chuyến xe buýt số 28 (Bến Thành – chợ Xuân Thới Thượng) sáng 4-5, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng vợ chồng bà Mùi – hành khách thường xuyên đi lại bằng xe buýt.
Bà Mùi phấn khởi nói: “Những ngày xe buýt tạm nghỉ, vợ chồng tôi phải đi lại bằng taxi hoặc xe máy. Không có xe buýt nên đành đi tạm vậy, chứ đi xe máy không an toàn, taxi lại quá tốn kém. Hôm qua, tôi đi taxi từ Q.Thủ Đức qua tới huyện Bình Chánh hết gần 600.000 đồng tiền xe, xót tiền quá. Đi xe buýt vừa tiết kiệm, mát mẻ, được ngắm cảnh thỏa thích”.
Chiều cùng ngày, chúng tôi cũng ghi nhận trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau dịch, các tuyến xe buýt số 3, 19, 28… có lượng khách đi lại chưa đông, có chuyến chỉ khoảng 6 hành khách trên xe. Dù vậy, tài xế, tiếp viên trên xe đều rất hào hứng chuẩn bị xe, nước rửa tay… để đón khách.
Chị Nguyễn Thị Kim Ba – nhân viên bán vé tuyến xe buýt số 19 – cho biết do học sinh – sinh viên chưa đi học lại đầy đủ nên xe còn hơi vắng so với trước.
“Chúng tôi đều tin chỉ vài ngày nữa, lượng khách sẽ ổn định như trước. Hiện nay, được đi làm lại, không lo thất nghiệp là một niềm vui lớn đối với đội ngũ tài xế, nhân viên rồi”, chị Ba nói.
Đảm bảo phòng dịch
Tương tự, chị Lê Thị Ngọc Nữ – nhân viên bán vé trên tuyến xe buýt số 3 – chia sẻ xe buýt hoạt động lại là vô cùng cần thiết. Bởi hiện nay có một lượng lớn người lao động, những người bán vé số, bán thức ăn, lao động phổ thông… đi lại chủ yếu bằng xe buýt. Không chỉ vậy, học sinh – sinh viên cũng sẽ gặp khó khăn khi hoạt động xe buýt bị đình trệ.
“Trong ngày đầu trở lại, chúng tôi đều đảm bảo nghiêm theo chỉ thị của Thủ tướng nên xe chỉ đón khách không quá 20 người, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Trên các xe có dán bảng yêu cầu khách chủ động ngồi giãn cách. Chúng tôi mong dịch bệnh sớm kết thúc để người lao động được quay lại công việc, cuộc sống thường ngày”, chị Nữ nói.
Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thông báo từ ngày 4-5 sẽ khôi phục hoạt động của 72 tuyến xe buýt, trong đó 69 tuyến xe buýt có trợ giá và 3 tuyến xe buýt không trợ giá.
Các tuyến xe buýt không trợ giá liên tỉnh liền kề gồm: số 60-2 (Đại học Nông lâm – bến xe Phú Túc), tuyến số 60-3 (bến xe Miền Đông – Khu công nghiệp Nhơn Trạch), tuyến số 60-4 (bến xe Miền Đông – Khu công nghiệp Sông Mây).
Cũng theo đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, trước đó tuyến xe buýt không trợ giá tỉnh liền kề số 5 (bến xe Chợ Lớn – bến xe Biên Hòa) đã hoạt động trở lại từ ngày 28-4.
Như vậy, đến ngày 4-5 có 73 tuyến xe buýt hoạt động trong tổng số 132 tuyến trợ giá và không trợ giá trên địa bàn TP. Những tuyến xe buýt còn lại tiếp tục ngưng đến khi có thông báo mới.