Ý nghĩa võ phục Karatedo là gì?
Võ phục (Karatedo Gi) : Trong Karatedo truyền thống, võ phục của môn sinh là áo và quần màu trắng gọi là Karatedo Gi, tượng trưng cho ánh sáng và sự giản dị, tinh khiết. Ngoài ra, nó tượng trưng cho sự trong trắng hồn nhiên, chân thật và sáng tạo. Nó là sự khởi đầu của mọi sắc màu khác (màu đai trong Karate cũng bắt đầu từ trắng qua thời gian thử thách, rèn luyện tinh thần và thể xác, vận động tạo tác biến đổi, trải nghiệm của chủ nhân mới trở thành màu đen. Tuy nhiên, đỉnh cao của nó là sự giác ngộ nên trở lại thành trắng). Sắc có rồi lại mất đó là không. Không trong Karatedo có nghĩa là tánh không (Sunyata) của Vạn pháp, là hiện tượng tạo tác rồi biến đổi. Khi một hợp duyên đã khởi và đủ điều kiện chín muồi thì một đối tượng mới sinh ra. “Đen” và các màu khác là xạ năng kích thích mắt người để gây cảm giác sáng và “Trắng” lại là phối hợp của các màu trên quang phổ. Mọi màu sắc đếu bắt nguồn từ ba màu căn bản: đỏ, vàng, xanh phối hợp ánh sáng (trắng) và bóng tối (đen), người phương Đông gọi chúng bằng hai từ Ngũ sắc.
Võ phục Karatedo không viền đen ở cổ và tà áo hoặc áo đen quần trắng (trừ hệ thống võ thuật Okinawa Kobudo). Khi đã có võ phục bạn phải giữ gìn thật sạch sẽ, sau khi tập xong nên móc võ phục và đai lên cao. Trên ngực áo phía trái, phải có phù hiệu của trường phái. Tay áo dài 2/3 của cẳng tay, quần cũng không quá dài trên 2/3 của cẳng chân. Không đính các kim loại sắt bén, dễ vỡ lên võ phục và mang trên người khi luyện tập. Các bạn nữ phải mặc áo lót thun màu trắng trước khi mặc võ phục và chỉ buộc tóc bằng dây mềm. Các bạn nam thì không được mặc áo lót. Môn sinh không nên mặc võ phục ra khỏi võ đường trừ khi có buổi trình diễn đặc biệt. Ngoài ra, khi thi đấu tranh giải hoặc luyện tập đối kháng tự do (Jiyu Kumite) trong sân tập, bạn cần trang bị thêm găng đấu, miếng bảo vệ răng, miếng lót bảo vệ ống quyển hoặc áo giáp nhưng phải được sự hướng dẫn của Sensei.
Đai: Chiếc đai (thắt lưng) của Karatedo nguyên là màu trắng (như màu áo) qua nhiều kỳ thi với thời gian, trải nghiệm và thử thách nó nhuốm mồ hôi, bụi bặm và cả máu để đậm dần thành đen. Để đạt được chiếc đai đen phải là một sự luyện tập, rèn luyện bản ngã, dẫn đến sự khai sáng mà có. Nó phải được trân quý, trình bày thẩm mỹ và đúng kích cỡ của người sử dụng. Không quá dài và không quá ngắn. Đầu đai một mặt thêu dòng chữ Hán: LINH TRƯỜNG KHÔNG THỦ ĐẠO LƯU PHÁI (H.1) trình bày từ trên xuống và mặt sau thêu dòng chữ KARATEDO (H.2) trình bày từ dưới lên. Tất cả chữ bằng màu vàng. Chữ cách đầu đai khoảng 10cm. Đầu đai còn lại (H.3) để trống (hoặc có thể mang cấp đẳng). Huấn luyện viên Trưởng sân tập khi đứng lớp phải mang cấp đẳng. Từ Huyền đai Đệ Nhị đẳng trở lên mới mang cấp đẳng bằng vạch màu trắng, rộng 1cm, khoảng cách 0,5cm và cách đầu đai 7cm. Đai của các Vận động viên khi thi đấu không mang cấp đẳng. Áo, đai của các Vận động viên nếu có thương hiệu của các nhà tài trợ, sản xuất thì cũng chỉ ở một góc rất nhỏ. Đai thắt cách dưới rốn 2cm, mỗi đầu đai thắt xong không dài quá 25cm và hai đầu đai phải luôn ngang nhau (H.4, H.5).
Bạn muốn thắt đai đúng hãy lưu ý:
1) Gấp đôi đai lại tìm phần giữa, ngón cái và ngón trỏ tay phải bạn đặt ngay điểm giữa đai và đưa điểm này ngang rốn. Sau đó, bạn vòng nó qua hai bên eo rồi vòng hai đầu đai cân bằng ra phía trước.
2) Đặt đầu đai bên trái dưới đầu đai bên phải, sau đó nắm đầu đai bên trái từ dưới lên trên xâu vòng vào hai lớp đai trước bụng rồi rút ra, so hai đầu lại cho cân bằng.
3) Đặt đầu đai bên trái lên trên phần đầu đai bên phải. Đến đây đai đã thắt được 2/3.
4) Xâu đầu đai nằm dưới vào khoảng trống và thắt lại thành nút. Cuối cùng, bạn kiểm tra xem hai đầu đai được ngang nhau hay không (H.4).
Theo: PHAN CHI
Huyền đai Đệ Lục đẳng – Uỷ viên Biên tập Văn phòng Chưởng môn
Suzucho Karatedo Ryu