Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo nhanh về triển khai gói an sinh xã hội sáng 5-5 – Ảnh: Đ.BÌNH
Ngày 5-5, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết như vậy khi báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020.
Theo ông Dung, đến thời điểm này, tất cả các địa phương đều đã triển khai gói an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Báo cáo nhanh của 40/63 tỉnh, thành cho biết khoảng 20.000 tỉ đồng đã được chuyển đến tay người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và dự kiến đến 15-5 việc chi trả cho nhóm người này sẽ kết thúc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ là “một quyết định chưa có trong tiền lệ, một quyết định thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa đảng với nhân dân” và một nhà văn có tên tuổi khi phát biểu về gói hỗ trợ này đã xúc động “tôi rưng rưng nước mắt vì đã lâu lắm rồi tôi mới lại thấy nhà nước mở ngân khố quốc gia cho người nghèo, người yếu thế”.
Với khoảng 20.000 tỉ đã được chuyển đến hỗ trợ người dân, ông Dung cho biết đã có hàng trăm ngàn người già, người ốm đau, người bị suy giảm sâu về thu nhập, người lao động đứt bữa, người bán vé số được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Với các chính sách hỗ trợ trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cơ quan này cùng các bộ, ngành liên quan đã làm việc ngày đêm để khẩn trương có những hướng dẫn nhằm sớm chi trả tiền hỗ trợ đến người dân.
Bộ đã mở tổng đài 111 để tiếp nhận, giải đáp thắc mắc cũng như phản ánh của người dân liên quan đến chính sách này. Chỉ sau 5 ngày hoạt động, tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 47.000 cuộc gọi liên quan.
Lãnh đạo Bộ lao động tham gia phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020 trực tuyến tại điểm cầu của cơ quan này – Ảnh: Đ.BÌNH
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng cho biết gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp nhân đại dịch COVID-19 đã sa thải, cho ngừng việc đối với lao động nữ, lao động lớn tuổi. Tuy nhiên bộ đã kịp thời phát hiện để phối hợp với địa phương chấn chỉnh và đến nay không còn hiện tượng này.
Ông Dung cũng cho biết những ngày gần đây, số người trở lại tham gia thị trường lao động bắt đầu tăng lên, nhất là lực lượng lao động tự do.
Trong tháng 4-2020, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là trên 100.000 người (tăng 9% so với tháng 3-2020). Số lao động chấm dứt hợp đồng, mất việc cuối tháng 4 là 670.000 người (tăng 270.000 người so với tháng 3).
“Tuy nhiên trong mấy ngày đầu tháng 5, tình trạng lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có dấu hiệu giảm, lao động trở lại thị trường tốt dần lên” – Bộ trưởng Dung nói.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị tiếp tục duy trì cấp phép lao động cho các chuyên gia, lao động nước ngoài đang ở Việt Nam.
Đối với lao động, chuyên gia nước ngoài mong muốn vào làm việc tại Việt Nam, bộ trưởng đề nghị ưu tiên xem xét những lĩnh vực, ngành nghề cần thiết mà ở đó lao động Việt Nam không thể đáp ứng. Việc cho lao động nước ngoài vào sẽ rất hạn chế và phải bảo đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Đặc biệt, để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội sớm đến với người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương phối hợp cùng ngành lao động kiểm soát không để tình trạng lợi dụng tình hình khó khăn để gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội một lần, kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, mua gom bảo hiểm xã hội.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để chuyển nhanh sang bảo hiểm điện tử để hạn chế tối đa tình trạng này”.