Bệnh nhân mắc Covid-19 bị ngừng tim, virus tấn công như thế nào?

Thứ Sáu, ngày 01/05/2020 01:00 AM (GMT+7)

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân số 20 từng có 3 lần bị ngừng tim. Virus gây bệnh Covid-19 không chỉ tấn công vào phổi người bệnh mà còn tấn công cả vào hệ thống tim mạch, gan, hệ tiêu hoá, gây rối loạn nhịp tim.



Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19, bệnh nhân 20 (bác ruột bệnh nhân 17) mắc COVID-19 đã nằm viện được 54 ngày và ở Khoa Hồi sức tích cực (ICU) được 44 ngày. Hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng đã tốt lên.

Hiện, bệnh nhân cần tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở.

Trước đó, bệnh nhân số 20 này đã có 3 lần ngừng tim. Bệnh nhân bị virus Sars-CoV-2 tấn công vào tim.

Bệnh nhân mắc Covid-19 bị ngừng tim, virus tấn công như thế nào? - 1

Virus Sars-CoV-2 tấn công tim như thế nào? Ảnh minh họa: Sciencemag

Theo thông tin trên zing.vn, TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Hoa Kỳ, cho biết virus gây bệnh Covid-19 đã được chứng minh tấn công vào nhiều cơ quan trên cơ thể. Đến nay, mặc dù các nghiên cứu khoa học và các báo cáo lâm sàng về bệnh Covid-19 liên tục được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành nhưng hiểu biết của con người về bệnh này vẫn còn rất hạn chế, cả về cơ chế gây bệnh, hướng điều trị cũng như vaccine phòng ngừa. Virus Sars-CoV-2  tuy rất nhỏ bé nhưng tác hại khôn lường ở nhiều trường hợp người bệnh trở nặng.

Hiện nay người ta vẫn chưa thể lý giải làm thế nào virus tấn công tim và mạch máu nhưng ngày càng nhiều bằng chứng từ các báo cáo khoa học gần đây cho thấy đây là một hiện tượng khá phổ biến.

Một bài báo đăng vào tháng 3 trên “JAMA Cardiology” đã ghi nhận tổn thương tim ở gần 20% bệnh nhân trong số 416 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Trong một nghiên cứu khác ở Vũ Hán, 44% trong số 36 bệnh nhân nhập viện phải điều trị ở phòng hồi sức đặc biệt (ICU) bị rối loạn nhịp tim.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu để hiểu chính xác những gì gây ra tổn thương tim mạch do Covid-19. Có thể virus tấn công trực tiếp vào niêm mạc của tim và mạch máu, giống như cách chúng tấn công mũi và phế nang hoặc do thiếu oxy, sự hỗn loạn trong phổi, làm ảnh hưởng gián tiếp đến các tổn thương mạch máu.

TS Vũ cho biết, hiện nay dữ liệu gần đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về bệnh nhân nhập viện ở 14 tiểu bang cho thấy, khoảng một phần ba bị bệnh phổi mãn tính nhưng cũng gần bằng con số này là người mắc bệnh tiểu đường và một nửa là bị huyết áp cao.

Bức tranh lớn về sự tàn phá Covid-19 gây ra trên cơ thể con người hiện nay vẫn chỉ là một bản phác thảo với nhiều điểm mờ. Sẽ mất nhiều năm nghiên cứu tiếp về căn bệnh này.

Ngày 29/4, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện còn 3 ca bệnh mắc Covid-19 đang được hội chẩn thường xuyên gồm: bệnh nhân 20, bệnh nhân 161 và bệnh nhân 91 – phi công người Anh.

Bệnh nhân 161, 88 tuổi vừa bị tai biến lại cao tuổi, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sĩ cũng đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân sớm hồi phục.

Bệnh nhân 91, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, đang trong tình trạng nặng, tiến triển chậm. Bệnh nhân đã phải mở nội khí quản, tiếp tục sử dụng ECMO và thở máy. Hội đồng chuyên môn đã thảo luận tất cả các giải pháp, từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm…

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/virus-sars-cov-2-tan-cong-tim-nhu-the-nao-61906.html

Bác sĩ hé lộ điều xảy ra với bệnh nhân khi mắc Covid-19

Kênh truyền hình Moscow-24 mới đây trích dẫn lời bác sĩ Kirill Zykov cho hay, những người bị mắc Covid-19 thường bị viêm…

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan