Chuyện chỉ có trên những chuyến bay giữa mùa dịch COVID-19

Thứ Bảy, ngày 25/04/2020 16:00 PM (GMT+7)

Những chuyến bay trong mùa đại dịch COVID-19 với những tiêu chuẩn khắt khe điểm đi, đến đều là những nước có dịch, với Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và những người phục vụ trên các chuyến bay đặc biệt đó thì quả là nhiều cảm xúc.



Nếu chỉ là một chuyến bay ngày bình thường có lẽ không có nhiều điều để nói. Song những chuyến bay trong mùa đại dịch COVID-19 với những tiêu chuẩn khắt khe điểm đi, đến đều là những nước có dịch, thì với Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và những người phục vụ trên các chuyến bay đặc biệt đó thì quả là nhiều cảm xúc. Hậu trường của những chuyến bay đó không phải ai cũng thấu hiểu…

Những chuyến bay dài gần 30 tiếng

Tính đến thời điểm này Vietnam Airlines đã cùng các nhà chức trách trong, ngoài nước thực hiện hơn 10 chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam và công dân nước ngoài. Trong đó phải kể đến hành trình giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Âu. 

Trong số các chuyến bay này có hai chuyến từ Hà Nội đi Frankfurt để hồi hương công dân Đức, EU là có lượng khách đông hơn cả, gần 600 người. Thế nhưng, mỗi một chuyến bay cất cánh trong mùa đại dịch thì bất kể lượng hành khách nhiều hay ít thì khó khăn và áp lực của hãng, của phi công, của tiếp viên là như nhau. 

Nhiệm vụ luôn được đặt ra là làm sao để chuyến bay an toàn, chu đáo  mà vẫn đáp ứng được về điều kiện phòng chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm cho cả hành khách lẫn phi hành đoàn. Hầu hết các chuyến bay hồi hương đều là những chuyến bay cấp bách, trong bối cảnh các quốc gia đều siết chặt kiểm soát an ninh, an toàn bởi vậy công tác điều hành khai thác, các thủ tục xin cấp phép bay, nơi đậu tại sân bay đến đều được yêu cầu thực hiện một cách nhanh chóng nhất. 

Thậm chí, nhiều sân bay là điểm đến mà Vietnam Airlines bình thường không bay thẳng như Cebu (Philippines), Ukraina…và không có người đại điện tại đó, khiến những người thực hiện chuyến bay  càng phải tập trung cao độ và khéo léo hơn để xử lý các tình huống phát sinh ở nước bạn.

Chuyện chỉ có trên những chuyến bay giữa mùa dịch COVID-19 - 1

Chuyến bay đưa hành khách Đức, EU về nước.

“Đối với công tác phục vụ trên không, các thành viên phi hành đoàn luôn phải trang bị đồ bảo hộ y tế bao gồm áo mặc toàn thân, khẩu trang, găng tay, kính mắt nên khá nóng bức trên những chuyến bay kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Việc đi lại, giao tiếp, vệ sinh cá nhân bị hạn chế để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 

Thời gian chuẩn bị, làm việc trên các chuyến bay này có thể kéo dài hàng chục tiếng, như chuyến Ukraine, thời lượng chuẩn bị, thực hiện chuyến bay cho đến khi kết thúc, nghỉ ngơi của phi công là gần 30 tiếng”, đại diện của Vietnam Airlines chia sẻ.

Trong số những chuyến bay đặc biệt ấy, chuyến bay từng có “khả năng” bị thay đổi lịch trình nhất là chuyến bay hồi hương người Việt từ Vũ Hán. Trước khi cất cánh, thời tiết Vân Đồn dự báo có mưa giông, có thể khiến máy bay phải đổi hành trình hạ cánh tại Hà Nội. 

Việc đổi hướng hạ cánh tại Hà Nội sẽ dẫn tới rất nhiều thay đổi phức tạp, tốn kém về công tác hậu cần, đón tiếp, phòng dịch. Nhưng rất may mắn, thời tiết Vân Đồn trong thời gian bay về ổn định, đủ điều kiện để máy bay hạ cánh. Và với những chuyến bay đặc biệt đó, chưa có hành khách nào có tên trong danh sách bay phải ở lại. 

Thực tế trong nhiều tháng qua, các chuyến bay hồi hương công dân đều đã diễn ra an toàn, tốt đẹp và đúng kế hoạch. Tuy nhiên cũng đã từng có chuyến bay hồi hương công dân từ Cebu, Philippines về Cần Thơ. 

Các thông tin như đã bao nhiêu khách đã hoàn thành thủ tục, các điện văn gửi về đâu, giờ dự kiến bay từ Cebu về Cần Thơ… đều được phía sân bay Cebu cập nhật liên tục. Tuy nhiên, thời điểm khi boarding, sân bay Cebu báo thiếu hai khách khiến tất cả những người điều hành chuyến bay hồi hộp chờ đợi và thật may mắn là tìm thấy trước lúc tàu cất cánh.

Chuyện chỉ có trên những chuyến bay giữa mùa dịch COVID-19 - 2

Tiếp viên hàng không được trang bị kỹ về bảo hộ phòng chống dịch trên các chuyến bay

Phi hành đoàn phải… đóng bỉm khi bay

Trước các chuyến bay vô cùng phức tạp, đã có không ít trường hợp “dở khóc, dở cười” xảy ra. Anh Hoàng Đình Trang, Cơ trưởng chuyến bay Hà Nội-Vũ Hán nhớ lại: “Là một trong những chuyến bay đầu tiên đi vào tâm dịch đón đồng bào mình về nước, chúng tôi vô cùng áp lực. Mọi yêu cầu, tiêu chuẩn về sức khoẻ và thậm chí cả những tình huống xấu nhất cũng được đặt ra, may mắn tất cả đều đã diễn ra suôn sẻ. 

Song điều khiến anh không thể nào quên trên chuyến bay là hành trang được hãng trang bị thêm cho phi hành đoàn ngoài bảo hộ y tế cần thiết còn có thêm cả… bỉm. Nghe thì buồn cười song “vật phẩm” này chính là nhằm giúp phi hành đoàn hạn chế đi vệ sinh, hạn chế thời gian di chuyển trong chuyến bay nhiều tiếng đồng hồ, để tập trung vào chuyên môn, đảm bảo cho chuyến bay an toàn nhất”. 

Cũng ở chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam sự có mặt của hành khách đang mang thai 36 tuần tuổi trong tình trạng có thể sinh bất cứ lúc nào cũng khiến cả chuyến bay lo lắng. Bởi vậy ngoài chuyện mời thêm bác sĩ sản phụ khoa đi cùng thì các thành viên phi hành đoàn đều là những người có kinh nghiệm bay lâu năm và đã được huấn luyện kỹ năng “tay ngang” là đỡ đẻ. Nhưng thật may là cả mẹ và bé trong bụng đều ổn sau chuyến bay.

Mới đây nhất, trên chuyến bay hồi hương công dân Đức, EU, chuyến bay có khá đông hành khách nước ngoài gồm nhiều quốc tịch khác nhau. Vì có một hành khách bị liệt vì tai nạn giao thông nên hãng hàng không đã phải lắp thêm cáng trên máy bay. 

Chị Vương Thị Tuyết, Tiếp viên trưởng chuyến bay trên hành trình Hà Nội-TP HCM – Frankfurt chia sẻ: “Qua bác sĩ đi cùng, phi hành đoàn mới được biết hành khách đặc biệt này mới mổ não xong, nên không thể tự đi vệ sinh cá nhân và đó là điều khó khăn nhất. 

Chúng tôi đã vô cùng lo lắng, song không thể để mặc bác sĩ một mình cùng bệnh nhân. Thế là, cả chuyến bay tổ bay đã thay nhau cùng bác sĩ giúp đỡ chăm sóc vị hành khách đó. Cuối cùng, chuyến bay đã hạ cánh an toàn và hành khách đó đã có thể trở về quê hương. Cái cảm giác đưa được họ về nhà như chúng tôi được về nhà vậy, vô cùng xúc động”.

Trên một chuyến bay khác đón công dân Việt Nam ở Ukraina trở về quê hương, Cơ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng có những giây phút đầy lo lắng. Anh nhớ lại, từ khi cất cánh, phi hành đoàn chỉ mong sao chuyến bay thuận lợi, không gặp phát sinh gì để hành trình trọn vẹn, hành khách được về nhà an toàn. Tuy nhiên, khi Tiếp viên trưởng thông báo có một hành khách sức khoẻ không được tốt, cả tổ bay lặng người, song ngay lập tức tiếp cận hành khách và hành động. 

“Chúng tôi đã vận dụng hết sự hiểu biết và kinh nghiệm đi bay để phân tích tình huống sức khoẻ của khách, tìm xem có bác sỹ trên máy bay hay không, chuẩn bị những tình huống phải chuyển hướng chuyến bay… Rất may trên chuyến bay có bác sĩ và sau khi kiểm tra, hành khách chỉ bị tụt đường huyết… Chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm”, vị cơ trưởng giãi bày…

Chuyện chỉ có trên những chuyến bay giữa mùa dịch COVID-19 - 3

Hành khách và phi hành đoàn chụp ảnh lưu niệm trên một chuyến bay hồi hương mùa đại dịch COVID-19.

Tổ bay hết mình, hành khách thấu hiểu

Nói về cảm xúc của mình khi được thực hiện, phục vụ trên những chuyến bay đặc biệt trong mùa dịch COVID-19, các phi công, tiếp viên hàng không đều nhận được không ít lời can ngăn. Thế nhưng, với họ làm việc trên những chuyến bay đó là một trách nhiệm lớn lao và vô cùng ý nghĩa. Với họ khi đã được chuẩn bị đầy đủ kĩ lưỡng cả sức khỏe, tinh thần, kiến thức, lẫn trang thiết bị phòng dịch, thì không có gì để hoang mang.  

Chị Nguyễn Thị Huế, Tiếp viên trưởng chuyến bay hồi hương công dân Đức, EU, hành trình Hà Nội – TP Hồ Chí Minh – Frankfurt  kể: “Khi tổ tiếp viên đứng tại cửa máy bay chào tạm biệt khách và hỗ trợ mặt đất cho từng nhóm khách rời máy bay, chúng tôi rất bất ngờ khi hành khách nói lời cảm ơn bằng tiếng Việt và hỏi các tiếp viên có thể tặng họ những lá cờ và hình dán cờ đỏ sao vàng không. 

“Tất nhiên rồi, chúng tôi cũng cảm ơn các bạn”, tiếp viên trả lời. Thế rồi hành khách nhận những tấm sticker cờ đỏ sao vàng và dán lên ngực, lên cánh tay, lên chiếc balô mà họ mang theo lan toả cho phi hành đoàn một cảm giác ấm áp…”. 

Hay như trong lúc chờ xe lăn trợ giúp hành khách xuống máy bay, một số hành khách đã trò chuyện với các tiếp viên  rằng, họ rất ngạc nhiên là Chính phủ và người dân Việt Nam phòng chống dịch rất tốt, thành phố rất vắng vẻ, minh chứng cho việc các chỉ thị ban hành được tuân thủ chặt chẽ. Họ cũng bất ngờ khi thấy tiếp viên mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. 

“Có lẽ bản thân tôi và các anh chị đồng nghiệp sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm ấm áp đó. Đáng nhớ hơn cả, chúng tôi đã có những điều bất ngờ dành cho nhau khi kết thúc công việc. Đó là một bữa tiệc sinh nhật “on air” với đủ hoa, bánh và nến và rượu champagne. Chúng tôi đã cùng nhau quây quần cắm hoa, xếp hoa quả, nướng lại đồ ăn mà cả tổ đã mang theo… Không khí vui vẻ như một cách “ăn mừng” vì chuyến bay đã thành công và nhiều cảm xúc”.

Chứng kiến những nụ cười hạnh phúc của hành khách khi về đến đất nước của họ, phi hành đoàn đều quên hết những mệt mỏi và vất vả. Hành trình nối dài hạnh phúc lại tiếp tục khi các thành viên nhanh chóng chuẩn bị cho chuyến bay đưa kiều bào, những người con xa xứ về với Tổ quốc. Những tiếp viên, phi công đã không thể quên niềm vui và hạnh phúc, kể cả những giọt nước mắt của những kiều bào Việt Nam khi họ bước lên máy bay trở về quê hương từ đất khách…

Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Chuyen-chi-co-tren-nhung-chuyen-bay-giua-mua-dich-COV…

Nới lỏng giãn cách xã hội, người dân ở Hà Nội không đeo khẩu trang đi tập thể dục

Hà Nội không còn ở nhóm “nguy cơ cao“ nhưng thành phố vẫn yêu cầu người dân tuân thủ việc giãn cách xã hội như đeo khẩu…

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan