Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Ảnh: LÊ KIÊN
Tại cuộc họp diễn ra chiều 21-4, Bộ trưởng Hà nói: “Chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra”.
Thực tế này “đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”.
Điều chỉnh quy định về báo cáo ĐTM
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết mục đích của việc sửa đổi luật lần này là đặt việc bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, được tính đến ngay từ quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho đến thiết kế dự án.
Đồng thời thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước từ mệnh lệnh hành chính rườm rà, phức tạp sang vai trò kiến tạo thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý.
Bộ trưởng Hà cho biết dự thảo đã bổ sung các quy định mới, có tính nguyên tắc về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên quan trọng, thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, đánh giá tác động đa dạng sinh học trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và nội dung quan trắc, kiểm kê đa dạng sinh học.
“Đã xác lập lại đúng vai trò của ĐTM là công cụ dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường; sửa đổi quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM theo hướng chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM nhằm thể hiện rõ quan điểm Nhà nước không làm thay doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với báo cáo ĐTM”, ông Hà nêu rõ.
Dự luật cũng “đã cụ thể hóa nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, việc quản lý chất thải phải trên cơ sở coi chất thải là tài nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hình thành nền kinh tế chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường”, đồng thời đề nghị dành mức tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường.
Phải tránh nguy cơ quy định “đẹp” nhưng thiếu khả thi
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao việc bỏ quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM và thay bằng quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự thảo luật đã bổ sung rất nhiều quy định về công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, như nguyên tắc mở rộng đối tượng chịu thuế, phí để điều tiết có hiệu quả các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, thêm các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường, đặt cọc và hoàn trả bao bì sản phẩm, thị trường phát thải, bổ sung bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường là loại hình bảo hiểm bắt buộc, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, trái phiếu xanh…
Góp ý nội dung dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ: “Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tránh việc thiết kế các quy định, các tiêu chuẩn rất ‘đẹp’ nhưng khi thực hiện thì khó khăn”.
“Luật này cần phải có điểm nhấn, phải chăng với Việt Nam trong giai đoạn tới là chống biến đổi khí hậu và đảm bảo nguồn nước. Nếu xác định được trọng tâm thì chúng ta sẽ dành được nguồn lực để giải quyết”, ông Bình nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: “Cần có sự cân nhắc, phân tích thấu đáo giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Cần quán triệt quan điểm phải kiểm soát chặt nhập khẩu vật liệu, phế liệu, không để Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ, chịu tổn thất về môi trường”.