TTO – ‘Tới giờ ăn thì vừa ăn vừa canh camera, bệnh nhân có gì là bỏ ăn, chạy liền’. ‘Có lúc tưởng kiệt sức, thế rồi có mấy bé du học sinh bảo: Bác sĩ cố lên, chống dịch cố lên, nghe vừa buồn cười vừa vui’…
Những ngày tình hình dịch COVID-19 trong nước tạm lắng, tranh thủ giờ nghỉ hiếm hoi, những ‘chiến sĩ áo trắng’ chia sẻ về khoảng thời gian căng thẳng sau cánh cửa cách ly để cứu người bệnh.
Đã có những bệnh nhân hồi phục thần kỳ đằng sau những nỗ lực ấy – như bệnh nhân 161, là bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi nhất (88 tuổi) và là 1 trong số 6 bệnh nhân nặng nhất ở Việt Nam, bị liệt nửa người, từng phải thở máy, luôn được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế hội chẩn cùng bệnh viện để điều trị; hay bệnh nhân 19 từng 3 lần ngừng tuần hoàn…
“Tôi nhận quyết định tăng cường sang trực chiến tại cơ sở Đông Anh đúng vào thời kỳ cao điểm, khoa Cấp cứu có 2 bệnh nhân rất nặng và 8 bệnh nhân khác trong tình trạng nặng. Bệnh COVID-19 lúc đó vẫn khá mới, thuốc men chưa phát huy hết tác dụng, chúng tôi phải mày mò tìm phương pháp điều trị để các bệnh nhân này vượt qua giai đoạn nặng nhất”, bác sĩ Trần Văn Bắc (Phó khoa Cấp cứu – đang làm việc ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1) nhớ lại.
Với bệnh nhân là người nước ngoài, khó khăn nhiều gấp bội bởi bất cứ can thiệp nào các bác sĩ đều phải giải thích để họ hiểu nhưng không phải lúc nào họ cũng hợp tác. Có bệnh nhân không chịu đeo khẩu trang, không chịu ngồi yên 1 chỗ, không theo quan điểm điều trị của Việt Nam mà tin vào quan điểm ở đất nước của họ…
“Văn hóa ẩm thực không giống nhau nên nhiều khi họ không ăn được cơm, mình phải thuyết phục, nhưng họ chỉ ăn được tí cơm còn thức ăn lại bỏ. Họ thích uống sữa đậu nành, ăn chuối… dù không có nhưng mình phải đi kiếm bằng được, cố gắng đáp ứng để họ có thêm chút năng lượng. Chưa kể những ca bệnh là người tuổi cao, họ có bệnh lý nền như tiểu đường, ung thư vú, tiền sử động kinh, mãn tính nặng… cũng gây khó khăn cho quá trình điều trị. Với ca bệnh nào, dù khó khăn chúng tôi cũng nỗ lực hết sức từng tí một”, bác sĩ Bắc tâm sự.
Nhưng điều khiến các bác sĩ lo lắng chính là diễn biến khó lường của căn bệnh mới. Có thể hôm trước bệnh nhân khỏe mạnh, cười nói nhưng hôm sau bệnh nhân đã khó thở và phải thở máy. “Với những bệnh nhân nhẹ, không có bất thường thì một ngày xét nghiệm 1 lần nhưng với những ca nặng, ngày hay đêm chúng tôi không ai dám rời 1 phút, vài tiếng lại xét nghiệm một lần để đánh giá thay đổi điều trị cho phù hợp”, bác sĩ Bắc kể.
“Chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực để giữ một phòng tuyến tiên phong, vững chắc. Việc đến nay chưa có ca bệnh tử vong là một hiệu ứng tâm lý tốt để người dân yên tâm tin tưởng những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19”, bác sĩ Bắc nói.
Cởi bộ đồ bảo hộ sau 12 giờ đồng hồ trực, khuôn mặt in rõ vết hằn khẩu trang, bác sĩ Phạm Văn Phúc (Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện nhiệt đới Trung ương) than nhẹ: “Đau tai lắm, sống mũi thâm tím nhưng không đeo chặt thì không được. Những hôm thời tiết nóng, làm việc nhiều thì quần áo chúng tôi mặc bên trong ướt sũng, còn đôi tay khô ráp, bong hết da vì đeo găng tay cao su và rửa nước sát khuẩn nhiều”.
Bác sĩ Phúc không về nhà kể từ ngày 15-3, thời điểm 2 ca bệnh diễn biến nặng chuyển lên khoa (gồm bệnh nhân 19 – hiện được Bộ Y tế đánh số thứ tự là bệnh nhân 20, và bệnh nhân người Anh). Trong tuần đầu, hai bệnh nhân gần như không tiến triển và rất nặng. Các y bác sĩ ở vòng trong phải theo dõi sát bệnh nhân 24/24h.
“Chúng tôi lo nhất bệnh nhân 19, có nhiều thời điểm ca trực căng như dây đàn. Như hôm 4-4, sau khi cai được ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo), bệnh nhân đang tiến triển tốt nhưng đến khoảng 1h sáng 5-4, bệnh nhân lại chuyển xấu, ngừng tuần hoàn 3 lần. Chúng tôi lập tức báo động đỏ trong đêm để hội chẩn với Hội đồng chuyên môn điều trị, mọi người rất căng thẳng để đưa ra quyết định sống còn. Sau khi quyết định tiếp tục cho bệnh nhân thở ECMO, chúng tôi tập trung hồi sức cấp cứu khoảng 1 tiếng đồng hồ thì bệnh nhân dần hồi phục trở lại”, bác sĩ Phúc nhớ lại.
“Các ca bệnh nặng sợ lắm, chỉ cần sơ sẩy là có thể chết người ngay. Nhiều ca trực tôi vừa ăn vừa canh camera, bệnh nhân mà có biến là bỏ ăn, chạy vào xem bệnh nhân như thế nào”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
TS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết 3 tháng qua, bệnh viện tiếp nhận, điều trị 145 ca bệnh, trong đó có 5 bệnh nhân rất nặng phải thở máy, có trường hợp ngừng tim 3 lần nhưng các y bác sĩ đã cứu sống ngoạn mục. Đế nay chỉ còn 37 người dương tính, có 3/5 bệnh nhân nặng đã khỏi và được xuất viện, 2 bệnh nhân còn lại đã dần dần ổn định.
“Phi công 43 tuổi, cao 1,8m, nặng 100kg, sốt cao kèm tổn thương phổi và bị bệnh béo phì”. Thông tin vắn tắt nhưng “con mắt nghề nghiệp” của bác sĩ truyền nhiễm nhận thấy đây là một ca bệnh khó lường.
Quả vậy, chỉ ít giờ sau, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) nhận kết quả xét nghiệm: tải lượng virus của bệnh nhân rất cao so với các bệnh nhân khác từng điều trị ở bệnh viện, cộng với bệnh béo phì chính là nguy cơ kép đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Không chỉ thế, chính phản ứng miễn dịch quá mạnh của bệnh nhân vô tình tạo ra một “cơn bão cystokin”, bao gồm chuỗi các chất gây hại cho cơ thể khiến bệnh nhân này trở nặng.
Trong suốt quá trình điều trị, sức khỏe bệnh nhân lúc lên lúc xuống đột ngột, có khi nằm mê man hai ba ngày liền rồi chợt bừng tỉnh, sau đó lại rơi vào trạng thái suy kiệt hoặc dương tính sau nhiều lần xét nghiệm âm tính. Với sự đặc biệt ấy, bệnh nhân 91 trở thành tâm điểm chú ý của cả cộng đồng trong và ngoài nước. Bác sĩ Phong cảm nhận rõ “sức nóng” ấy: “Cả thế giới đang nhìn vào chúng ta bởi tỉ lệ mắc thấp, chưa có ca nào tử vong cả. Và với vai trò của người thầy thuốc, chúng tôi hiểu phải bằng mọi cách duy trì sự sống người bệnh để khẳng định cho cả thế giới biết về thương hiệu, uy tín của Việt Nam”.
Để điều trị cho bệnh nhân này, ngành y tế huy động nhiều trang bị máy móc hiện đại cùng một đội ngũ nhân viên y tế chưa từng có. 12 bác sĩ giỏi và hơn 20 điều dưỡng của bệnh viện được điều động thay ca liên tục chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Chợ Rẫy còn “biệt phái” hai bác sĩ giỏi về chạy ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể) qua túc trực cùng với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phòng khi bệnh nhân trở nặng.
Một nhóm trao đổi trực tuyến được lập ra với nhiều chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học, vi sinh, dược sĩ lâm sàng ở khắp cả nước. 24/24h, các chuyên gia cập nhật tất cả các kết quả siêu âm, X-quang, xét nghiệm… của bệnh nhân, từ đó phân tích để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. “Nhóm liên tục điều chỉnh, đưa ra quyết định kịp thời để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Dù không trực tiếp điều trị nhưng sự tư vấn của những người anh, người chị ấy khiến các bác sĩ trẻ cảm thấy yên lòng”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chia sẻ.
Những ngày đầu, cạnh bệnh lý đang mang, vấn đề khó khăn nhất đối với bệnh nhân 91 là ăn uống. Hai ba ngày đầu không hợp khẩu vị ông ăn rất kém, đưa sữa không uống, đang thở oxy thì ông tự ý tháo ra để vào nhà vệ sinh tắm rửa. Trong phòng áp lực âm, tâm lý bệnh nhân căng cứng, nặng nề như muốn nổ tung. Đó là lúc cần đến sự nhẹ nhàng của các điều dưỡng Hà Mai Thanh Hiền, Nguyễn Thị Bích Trâm, Phạm Thị Tuyến… Như thể người thân, hàng ngày các cô, các chị thay phiên chia sẻ đủ chuyện “trên trời dưới đất” với người bệnh. Những lúc người bệnh “khó ở”, họ lại toát mồ hôi “năn nỉ” hợp tác, có khi thuyết phục cả hàng giờ đồng hồ bệnh nhân mới chịu ăn, uống thuốc.
Nhớ lại lần đầu tiên bước vào phòng áp lực âm chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, điều dưỡng Hiền kể: “Hoang mang, lo sợ, nhưng xíu rồi thôi. Bước vào công việc mọi cảm giác sợ hãi đều tan biến, lúc ấy chỉ còn biết cố gắng cẩn trọng để không bị lây nhiễm và làm sao chăm sóc người bệnh được tốt nhất”.
Sau 54 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân 91 tiên lượng còn rất nặng dù được sự nỗ lực cứu chữa của cả ngành y tế. Một trong những hi vọng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân là ghép phổi. Ngay lúc này, cuộc đua cứu bệnh nhân này vẫn đang tiếp tục, không ngừng nghỉ…
Suốt 23 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong bảo rằng chưa lúc nào cả đất nước lại đồng lòng cùng nhau để chống dịch như bây giờ: “Nhiều khi cả cuộc đời người người làm nghề chỉ gặp một lần. Với dịch COVID-19, tôi cảm nhận đây không còn là chuyện riêng của bác sĩ nào, của bệnh viện nào mà đó là câu chuyện đồng lòng, mối lo chung của cả ngành y tế”.
Còn với bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, dù đã cùng đồng nghiệp trải qua rất nhiều đợt dịch nguy hiểm như thương hàn đa kháng (1993), H5N1 (2005-2006), H1N1 (2009)… đợt dịch lần này mang đến cho ông nhiều cảm xúc thật đặc biệt.
“Dịch COVID-19 này tôi thấy có một điều thật tuyệt vời, đó là mọi người xích lại gần nhau, hỗ trợ nhau vì một mục tiêu duy nhất là đẩy lùi dịch bệnh. Tôi vô cùng cảm động khi trong những ngày nóng bỏng chống dịch, đủ mọi thành phần trong xã hội đã dành tình cảm đặc biệt cho nhân viên y tế, đó là sức mạnh tinh thần lớn lao giúp chúng tôi cảm thấy không còn đơn độc”, bác sĩ Châu nói.
“Tôi thấy vui khi nhận được nhiều tình cảm từ gia đình, đồng nghiệp, người bệnh”, bác sĩ trẻ Phan Minh Phương (30 tuổi), trưởng khoa lâm sàng của Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (TP.HCM) tâm sự. Trong số các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, Phương là trường hợp hiếm hoi có mặt tại hai “điểm nóng” chống dịch gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ. Những ngày đầu với Phương cùng các đồng nghiệp thật khó khăn. Mọi thứ còn thiếu thốn, lộn xộn, bệnh đông, người thiếu, có hôm mải miết với công việc đến chiều mới được ăn cơm trưa.
Phương kể “có những ngày nhận bệnh muốn xỉu, nghe than phiền cũng muốn xỉu”. Khám, nhận bệnh, làm hồ sơ, báo cáo gửi Sở Y tế… quần quật từ sáng đến khuya. Có khi cô nhận cùng lúc hai đoàn người cách ly đông tới nỗi thức gần hết đêm mới hoàn thành công việc. Nhờ đó cô nhận ra rằng: “Khó khăn nào rồi cũng có thể vượt qua, miễn bản thân luôn cố gắng từng chút một, tới khi xong rồi nhìn lại sẽ thấy mình lại vươn xa thêm được một chút”.
“Có những bệnh nhân vì nằm cách ly lâu ngày bức bối đã lớn tiếng, than phiền, ra yêu cầu khó khăn… Lúc đó tưởng như kiệt sức, may sao được tiếp “doping” từ các bệnh nhân dễ thương. Mấy bé du học sinh Hàn hay nói: “Bác sĩ cố lên, chống dịch cố lên”, nghe vừa buồn cười vừa vui. Những chuyện nhỏ nhỏ, đôi khi lại là sự động viên rất lớn trong những hoàn cảnh khó khăn”, Phương tâm sự.
Sau những giờ mệt nhoài điều trị bệnh, cô nói mình “thích đủ thứ”, nào là được ngắm cảnh người qua lại, vẽ tranh, đánh đàn, ngắm sông, ngắm hoa…Và mong muốn ấy không chỉ của riêng Phương, tất cả đều được hẹn “sau khi hết dịch”…