Tài sản đường sắt được tháo lên để làm dự án nhà ở – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến dự án nêu trên.
Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị 5 cơ quan gồm các bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên – môi trường có ý kiến về kiến nghị nêu trên. Thời hạn các bộ gửi ý kiến trước ngày 10-5.
Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng, UBND tỉnh Bình Dương báo cáo tình hình rà soát dự án nhà ở thương mại đường sắt (dự án 6,4ha) và dự án nhà ở thương mại đường sắt mở rộng (dự án 4,8ha) nằm trên phần đất trạm vật tư đường sắt Dĩ An (TP Dĩ An, Bình Dương). Cả hai dự án này đều do Công ty TNHH MTV nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư.
Đối với dự án 6,4ha, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị được tiếp tục triển khai thực hiện. Với dự án 4,8ha, tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét giải quyết vấn đề tháo dỡ các nhánh đường sắt và đề xuất hướng xử lý.
Trạm vật tư đường sắt Dĩ An rộng 11,7ha có chứa 4 đường sắt xây từ thời Pháp là kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phục vụ cho việc sản xuất đường sắt, được giao cho Công ty cổ phần vật tư đường sắt Sài Gòn khai thác.
Sau khi thoái hết vốn tại Công ty cổ phần vật tư đường sắt Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho công ty này dịch chuyển 4 đường ở mặt tiền để lấy 6,4ha làm dự án nhà ở.
Công ty sau khi tháo dỡ 4 đường chỉ lắp lại một đường chính 535m ở giữa khu đất, 3 đường sắt còn lại chưa khôi phục ở khu đất diện tích 4,8ha. Sau đó, khu đất 4,8ha cũng trở thành dự án nhà ở thương mại đường sắt mở rộng.
Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc chuyển đổi mục địch sử dụng đối với đất dành cho đường sắt tại trạm vật tư khi chưa được sự thống nhất chủ trương của cấp có thẩm quyền là trái Luật đường sắt 2005. Mặt khác, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn cho doanh nghiệp dịch chuyển nhánh đường sắt khi chưa được sự chấp thuận của bộ này là sai qui định.
Đây là vụ việc báo Tuổi Trẻ Online đã phát hiện qua bài: “Dỡ đường ray lấy đất phân lô bán nền”.
Quá trình đeo bám, Tuổi Trẻ Online còn phát hiện lúc cổ phần hóa, thoái vốn Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn, Tổng công ty đường sắt Việt Nam còn để “lọt sổ” một mảnh đất mặt tiền 400m2 trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TP.HCM). Mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho người khác.
Hiện cả hai vụ việc đã được Bộ Công an vào cuộc xác minh.