Vụ án Hồ Duy Hải nếu sai sót rất khó để sửa chữa

Chủ Nhật, ngày 10/05/2020 21:30 PM (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, do tầm quan trọng của vụ án tử tù Hồ Duy Hải, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử vụ án này; đây là bản án tử nên nếu có sai sót rất khó sửa chữa.



Như đã thông tin, ngày 8-5, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người bị kết án về hành vi giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) vào năm 2008. Tuy nhiên, việc bác kháng nghị của VKSND Tối cao của HĐTP gây ý kiến khác nhau trong chuyên gia pháp lý, cơ quan hành pháp, lập pháp.

Ngày 10-5, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng, vụ án có tầm quan trọng vì liên quan đến sinh mạng con người của nạn nhân và bị cáo Hồ Duy Hải. Do đó, cần phải điều tra, xét xử nghiêm minh, phải đúng người, đúng tội.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những vụ oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và một số án oan sai khác có đặc trưng là chủ yếu dựa vào lời nhận tội của bị can và những chứng cứ gián tiếp. Những kinh nghiệm đó cho thấy việc dựa chủ yếu vào bản cung của các bị can, vào chứng cứ gián tiếp thì có nguy cơ oan sai.

“Về pháp luật hình sự, luật tố tụng hình sự đòi hỏi nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc buộc tội phải dựa trên các chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện và không thể tranh cãi được. Tuy nhiên, trong vụ này, những bản cung không khớp, mâu thuẫn và không được củng cố bởi những vật chứng, chứng cứ quan trọng của vụ án như dấu vân tay, hung khí…” – vị đại biểu Quốc hội là luật sư phân tích.

Cũng theo đại biểu Nghĩa, quyền kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao căn cứ trên hai nhiệm vụ được Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân giao là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Việc kháng nghị thể hiện quyền con người, quyền công dân, căn cứ Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự, Hiến pháp. Để đạt được nền tư pháp cẩn trọng chặt chẽ, hạn chế oan sai thì TAND Tối cao nên điều tra lại. “Bản án này là án tử hình, và đã tử hình thì chúng ta sẽ không còn cơ hội để sửa chữa. Do đó, tôi nhất trí với đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử vụ án này”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/dai-bieu-truong-trong-nghia-vu-an-ho-duy-hai-neu-sai-sot-rat-kho-de…

Sai sót điều tra trong vụ án Hồ Duy Hải sẽ xử lý thế nào?

Luật sư cho rằng, những sai sót điều tra trong vụ án Hồ Duy Hải sẽ không được xử lý vì kháng nghị của Viện KSND đã…

Link nguồn bài viết

Bài viết liên quan